Thị trường đang quan sát các doanh nghiệp này có ký hợp đồng hay không? Nếu đầu tư sẽ huy động vốn để nộp tiền đấu giá ra sao, đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm liệu có bỏ cọc hay không?…
Bên cạnh niềm vui khi ngân sách sắp thu về được một số tiền lớn, đất đai được đấu giá công khai, minh bạch… tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, thì cũng có không ít ý kiến băn khoăn. Theo Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện khu đô thị này còn 67 lô đất. Trong đó, Chính phủ đã đồng ý giao cho Tập đoàn Lotte 6 lô, 6 lô khác liên quan 2 công trình tôn giáo vẫn chưa có kế hoạch. Đầu năm 2022, TP.HCM dự kiến sẽ tiếp tục bán đấu giá 6 lô đất ở khu chức năng số 1 và các lô đất tại khu 38,4 ha thuộc phường An Khánh, TP Thủ Đức trong dự án xây dựng 3.790 căn hộ, với mức giá khởi điểm khoảng 14.700 tỷ đồng.
Việc giá đất trúng đấu giá quá cao sẽ khiến TP.HCM gặp áp lực trong việc tổ chức đấu giá những lô đất còn lại tại Thủ Thiêm và cả những dự án công khác. Bởi, các cá nhân, đơn vị định giá sẽ không dám định giá thấp hơn nhiều so với mức đấu giá thành công vừa qua. Nhưng nếu đưa ra giá quá cao thì khả năng các doanh nghiệp sẽ không tham gia đấu giá.
Trong 30 ngày kể từ khi ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách Nhà nước. 60 ngày tiếp theo, bên trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền còn lại. Nếu bên trúng đấu giá chậm thanh toán, sẽ bị phạt chậm nộp theo quy định quản lý thuế. Nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ khi ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất mà người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền mua tài sản đấu giá thì bị coi là vi phạm hợp đồng. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TP.HCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên – Môi trường trình UBND TP.HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo quy định thì sẽ không được nhận lại tiền đặt trước. Tiền đặt trước này sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng dự báo sẽ khó có chuyện “bỏ cọc” khi các doanh nghiệp này đã bỏ hàng trăm tỷ đồng ra tham gia đấu giá. “Với mức giá lô cao nhất lên tới 2,45 tỷ đồng/m2 thì giá nhà thương phẩm ít nhất phải từ 350-400 triệu đồng/m2. Mức giá này có thể là quá cao so với giá các sản phẩm khác trong khu vực ở thời điểm hiện tại. Song, nếu so với những bất động sản hàng hiệu vừa được tung ra thời gian gần đây ở quận 1 thì cũng tương xứng”, ông Quang nói. Cũng theo ông Quang, mức giá này để đầu tư hiện tại và sử dụng cho 3-5 năm tới có thể nói là phù hợp, nhất là với phân khúc nhà hạng sang và bất động sản hàng hiệu.
Theo quy chế cuộc đấu giá tài sản 4 lô đất này được Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản TP.HCM ban hành, 5 ngày sau khi đấu giá thành, người đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản đó. Sau thời hạn này, nếu người trúng đấu giá không thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản thì xem như từ chối kết quả đấu giá và mất tiền đặt cọc này. Vì vậy, thị trường đang quan sát các doanh nghiệp này có ký hợp đồng hay không?
Số tiền mà Công ty CP Dream Republic đặt cọc để tham gia đấu giá lô đất 3-5 là 115,6 tỷ đồng. Số tiền mà Công ty CP Sheen Mega đặt cọc để tham gia đấu giá lô đất 3-8 là 203,6 tỷ đồng. Số tiền mà Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đặt cọc để tham gia đấu giá lô 3-9 là 145,6 tỷ đồng. Và số tiền mà Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đặt cọc để tham gia đấu giá lô 3-12 là 588,4 tỷ đồng.
Nếu thực sự đầu tư, có thể các doanh nghiệp sẽ tính đến các phương án tăng vốn, phát hành trái phiếu, vay ngân hàng… Tuy nhiên, chuyên gia tài chính này cũng nhìn nhận, hiện phương án phát hành trái phiếu cũng đang bị siết, còn vay ngân hàng thì chẳng biết có ngân hàng nào dám định giá khu đất tới 1 tỷ USD để cho doanh nghiệp này vay 70%. Nếu Tân Hoàng Minh đi vay ngân hàng, giả sử ngân hàng cho vay 70% giá trị tài sản (tương ứng định giá mảnh đất là 24.500 tỷ đồng theo giá trúng đấu giá), thì doanh nghiệp sẽ được vay khoảng 17.150 tỷ đồng. Khi đó, chỉ tính riêng tiền lãi đi vay thôi cũng khiến doanh nghiệp mất hàng nghìn tỷ đồng/năm. Thật sự rất khó hình dung “nước cờ” của Tân Hoàng Minh.
Tổng Hợp