Một số hành vi vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây được nhận định sẽ không tác động lớn đến chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại – đối tượng phát hành cũng như tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất nhì thị trường.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây không chỉ lớn nhanh về quy mô, mà còn có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và cá nhân nhỏ lẻ thông qua hoạt động mua trên thị trường thứ cấp.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh, trong các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, đầu tiên phải nhắc tới là các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán, tiếp đó là quỹ đầu tư, cuối cùng là nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư cá nhân ngày càng tham gia tích cực vào các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, dẫn tới tình trạng phát triển nóng của thị trường và việc tham gia của nhà đầu tư cá nhân tiềm ẩn rủi ro cho chính bản thân nhà đầu tư và sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường tài chính Việt Nam nói chung.
Thực tế, nhiều người tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do có lãi suất cao, trong khi chưa đủ kiến thức, kỹ năng để đánh giá rủi ro. Đáng lưu ý, báo cáo của SSI Research cho thấy, trong số 318.200 tỷ đồng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành năm 2021 (chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020), số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo một phần/toàn bộ bằng cổ phiếu là 172.500 tỷ đồng. Gần đây, một số sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hiện và xử lý, cùng với đó là thông điệp chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ Chính phủ với Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022. Sự kiện này hiện là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư và thành viên trên thị trường vốn.
Bộ Tài chính cho biết, tình hình thị trường phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh nhằm phù hợp với thực tiễn, khắc phục và loại bỏ rủi ro.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, cơ quan này đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh. Trong đó, thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu. Quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
“Việc tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt nghiêm minh”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Lãi suất tiết kiệm VND của hệ thống ngân hàng hiện nay khá thấp, phổ biến từ 5,5 – 6%/năm, trong khi trái phiếu do các doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực bất động sản phát hành có lãi suất 9 – 10%/năm, thậm chí cao hơn. Do vậy, nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến kênh đầu tư này và các tổ chức phát hành tăng cường huy động vốn trái phiếu.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh. Năm 2018, các doanh nghiệp phát hành 224.000 tỷ đồng trái phiếu, năm 2019 phát hành 312.000 tỷ đồng, năm 2020 phát hành 436.000 tỷ đồng và năm 2021 phát hành 722.700 tỷ đồng. Theo đó, quy mô thị trường tăng từ 4,93% GDP năm 2017 lên 16,6% GDP năm 2021 (14,75% GDP sau điều chỉnh).
Tín dụng trái phiếu tính đến cuối năm 2021 là 273.900 tỷ đồng, nhưng chỉ chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại. Vì thế, tổ chức này nhận định, các hành vi vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây sẽ không tác động lớn đến chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Quy mô tín dụng trái phiếu có thể được duy trì, hoặc tiếp tục tăng, nhưng có sự chọn lọc ở những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, được hỗ trợ bởi chất lượng tài sản tốt hơn (nợ xấu dưới 3% theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước) và có mức độ tín dụng phân bổ cho ngành bất động sản vẫn ở mức thấp theo các quy định của cơ quan quản lý.
Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận xét, Thông tư 16 thể hiện rõ thông điệp của cơ quan quản lý là tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn và chất lượng tín dụng cần được đặt lên hàng đầu.
Tổng Hợp