Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao.
Khác với các phiên giao dịch trước, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên cuối tuần diễn biến tích cực ngay từ khi mở cửa, sự hưng phấn của nhà đầu tư đã giúp hàng loạt cổ phiếu lớn bứt phá, tuy nhiên, sự tích cực không duy trì được quá lâu khi áp lực bán nhanh chóng xuất hiện và kéo các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Khởi đầu khác nhưng đoạn kết lại khá giống so với 2 phiên gần đây khi VN-Index đóng cửa phiên với mức giảm nhẹ.
Chốt phiên, VN-Index giảm 5,37 điểm (-0,65%) xuống còn 827,03 điểm. Toàn sàn có 100 mã tăng, 248 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,32 điểm (-2,08%) xuống 109,02 điểm. Toàn sàn có 65 mã tăng, 80 mã gảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index cũng giảm 0,33 điểm (-0,62%) xuống 53,15 điểm.
Các cổ phiếu trụ cột như BID, VNM, MSN, CTG, SHB, PVI… đều giảm sâu và tạo áp lực rất lớn lên 2 chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index. Trong đó, BID giảm 2,8% xuống 57.900 đồng/cp, VNM giảm 1,9% xuống 111.800 đồng/cp, MSN giảm 2,8% xuống 62.100 đồng/cp. Đáng chú ý, SHB bất ngờ bị kéo xuống mức giá sàn và lấy đi của HNX-Index đến 2,5 điểm (-2,26%).
Các ngành tăng mạnh trong thời gian gần đây như thủy sản, dệt may, bất động sản, chứng khoán đều giảm khá mạnh hôm nay.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 15/5. Nguồn: VDSC.
Ở chiều ngược lại, bộ ba cổ phiếu họ “Vin” phiên hôm nay đóng vai trò trụ đỡ thị trường, trong đó, VIC tăng 1% lên 71.600 đồng/cp. Trước khi bước vào phiên giao dịch trên thị trường xuất hiện thông tin CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam thông báo đã bán ra 500.000 cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup thông qua phương thức khớp lệnh vào ngày 11/5. Theo Tập đoàn đầu tư Việt Nam, 500.000 cổ phiếu VIC này được bán ra từ tài khoản của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS). Số cổ phiếu này cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh mượn làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay của công ty con tại ngân hàng SHB. Tuy nhiên, do Tân Hoàng Minh chưa thanh toán hết khoản nợ nên SHB đã thực hiện xử lý tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, VHM tăng 1,4% lên 71.600 đồng/cp, còn VRE tăng nhẹ 0,2% lên 24.100 đồng/cp.
Đáng chú ý, bất chấp việc thị trường chung rung lắc, một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ dường như “miễn nhiễm” với NTB, VCR, PFL, HD8, PVR, PVL, FDC, CLG hay HTT đều được kéo lên mức giá trần. NTC tăng 4,3%, LGL tăng 3,4%.
Dù vậy, vẫn có nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ lao dốc như C21, TIX, NRC, ASM, IDJ, OGC… Trong đó, C21 giảm đến 8,3%, LDG giảm 4,6%, ASM giảm 4,3%, IDJ giảm 4,3%.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước do không có quá nhiều đột biến đến từ giao dịch thỏa thuận nhưng vẫn ở mức cao. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE, HNX và UPCoM đạt 402 triệu cổ phiếu, trị giá 6.200 tỷ đồng. ITA là cổ phiếu bất động sản duy nhất lọt vào top 10 mã khớp lệnh trên thị trường với hơn 8 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục giao dịch tích cực khi mua ròng hơn 79 tỷ đồng, trong đó, khối ngoại chủ yếu mua ròng trên HoSE với giá trị gần 105 tỷ đồng nhưng bán ròng trên 2 sàn còn lại. Không có cổ phiếu bất động sản nào lọt top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất thị trường, trong khi đó, các ông lớn trong ngành này là VIC hay VRE đều bị bán ròng mạnh. Trong đó, VIC bị bán ròng 123 tỷ đồng còn VRE là 38 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,6% và 0,1%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite giảm 0,07% trong khi Shenzhen Composite tăng 0,1%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,1%. ASX 200 của Australia tăng 1,4% trong khi NZX 50 của New Zealand giảm 0,1%. Straits Times của Singapore tăng 0,05%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,2%, KLCI của Malaysia tăng 0,4% nhưng Jakarta Composite của Indonesia giảm 0,1%.
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường điều chỉnh trên diện rộng sau nhiều phiên giao dịch tích cực liên tiếp, thanh khoản giảm cho thấy đây có lực bán chưa quá mạnh. Đây là thời điểm nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra thận trọng và việc quản trị rủi ro cần được cân nhắc, thay vì chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm lợi nhuận.
Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước, biên độ dao động nới rộng và độ rộng ở trạng thái tiêu cực phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. BSC khuyến nghị duy trì tỷ trọng tiền mặt trong danh mục và theo dõi các diễn biến vĩ mô trên thế giới và kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông trước khi lựa chọn cơ hội đầu tư trong giai đoạn này.
Tuấn Hào