Trong 2 – 3 tuần qua, các ngân hàng đều gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động. Mức lãi suất tiết kiệm 7 – 8%/năm hiện nay đã rất phổ biến đối với các kỳ hạn trên 1 năm, tăng 2 – 3%/năm so với đầu năm 2022.
Với xu hướng lãi suất đầu vào tăng, các nhà băng không thể kiềm chế lãi suất cho vay được lâu nên đã bắt đầu tăng theo chi phí huy động. Cụ thể, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng 0,1 – 0,5%/năm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên vẫn được giữ ổn định theo chủ trương kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay cá nhân đã tăng trên dưới 1,5%/năm, trong đó phải kể đến khoản vay mua nhà ở. Lãi suất cho vay mua nhà không chỉ tăng đối với hợp đồng mới giải ngân, mà ngay cả khoản vay cũ cũng được nhân viên tín dụng thông báo điều chỉnh lên.
Một chuyên gia phân tích trong lĩnh vực tài chính đánh giá, chi phí đầu vào tăng nên các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất các hợp đồng cho vay cả mới và cũ, mặc dù chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là giữ ổn định lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Trong bối cảnh hiện nay, room tín dụng ở nhiều ngân hàng đã cạn, nên việc đẩy vốn ra có sự lựa chọn kỹ lưỡng. Ngân hàng sẽ chọn khách hàng tốt, nhưng lãi suất cao để cho vay, thay vì ồ ạt như trước.
Thực tế cho thấy, trước sự biến động của mặt bằng lãi suất gần như được tính theo ngày trên thị trường hiện nay, việc tìm dư địa giảm lãi vay trong quý cuối năm là bài toán không dễ. Theo TS. Cấn Văn Lực, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có 5 lần tăng lãi suất, từ mức 0 – 0,25%/năm lên 3 – 3,25%/năm và lộ trình đưa ra là tiếp tục nâng lên trong thời gian tới, đạt 4,4%/năm vào cuối năm nay để chống lạm phát, thì lãi suất tiền đồng khó tránh tăng. Lạm phát tại Việt Nam thấp hơn nên mức tăng của lãi suất sẽ thấp hơn, song lãi suất cho vay khó kiềm được xu hướng đi lên.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, lãi suất trên thị trường vốn đã tăng mạnh. Động thái tăng thêm 1% lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thực chất là việc hợp thức hóa lãi suất điều hành chính thức so với lãi suất thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện cơ quan quản lý ngành ngân hàng tương đối quyết liệt trong việc bảo vệ đồng nội tệ, hạn chế sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam và phòng ngừa lạm phát từ xa. Do đó, nếu muốn ghìm cương lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ không để thanh khoản hệ thống quá căng thẳng, vì khi trạng thái đó xảy ra thì ngay lập tức có thể làm tăng lãi suất.
Theo một lãnh đạo ngành ngân hàng, Việt Nam cố gắng để không bị cuốn vào vòng xoáy mất giá đồng nội tệ. Hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng hiện ở mức cao, nghĩa là đã sử dụng hết vốn huy động để cho vay. Nếu nâng room tín dụng thì có nguy cơ ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất sẽ dâng lên.
Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, có nhiều áp lực trong việc kìm hãm lạm phát trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, vì vậy không thể chủ quan trong điều hành. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng hỗ trợ cho phát triển kinh tế khoảng 14% (cao hơn 2 năm trước) và trong bối cảnh có nhiều biến động, cơ quan này vẫn cố gắng để đạt được mục tiêu.
Kể từ ngày 10/10, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBank được hưởng lãi suất 7,8%/năm khi gửi 6 tháng, lãi suất 8,5%/năm khi gửi 12 tháng và lãi suất 8,6%/năm khi gửi 15 tháng. Ngoài ra, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, tuỳ vào các kỳ hạn gửi tiền, khách hàng sẽ được tặng thêm một phần quà bằng tiền mặt trị giá tương đương từ 0,3 – 0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi tiền đầu tiên.
Một số ngân hàng có các đợt tăng lãi suất chỉ cách nhau vài ngày. Đơn cử, SCB sau khi nâng lãi suất tiền gửi vào ngày 5/10 thì đến ngày 8/10 tiếp tục có thông báo tương tự. Đặc biệt, nếu như đầu tháng 10, khách hàng muốn hưởng lãi suất gần 9%/năm phải gửi hàng trăm tỷ đồng, thì hiện nay, với giá trị bất kỳ, mức lãi suất cao nhất cũng đạt 8,6 – 8,9%/năm.
Đối với tiền gửi online, SCB nâng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,8 – 7,95%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 8,01 – 8,25%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,2 – 8,55%/năm. Mức lãi suất cao nhất được áp dụng là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.
Bên cạnh đó, chứng chỉ tiền gửi của SCB có lãi suất 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Tương tự, Ngân hàng Bản Việt vừa có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất 8,4%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vọt lên mức cao, trong tuần đầu tháng 10 có thời điểm vượt 10%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2012, khiến Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ thị trường thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với khối lượng 35.000 tỷ đồng trong 3 ngày đầu tuần.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, chênh lệch âm kéo dài giữa huy động – tín dụng trong hệ thống và một số thành viên lớn trên thị trường không tham gia giao dịch là nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh.
Về thị trường ngoại hối, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank duy trì trên mức 24.000 VND/USD và tỷ giá liên ngân hàng tiến sát mức tỷ giá bán tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. So với cuối năm 2021, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank đã tăng 4,8%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,6%.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, rất khó để hạ nhiệt lãi suất khi mà tăng trưởng tín dụng năm nay đã tăng gần 11% tính đến cuối tháng 9, trong khi huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, các mức lãi suất huy động cao gần 9%/năm chỉ là cục bộ, chứ không xảy ra ở hầu hết ngân hàng.
Thông tin từ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, đến 28/9/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 10,96%, nhu cầu tín dụng dự kiến sẽ còn tăng cao trong những tháng cuối năm, vì đây là mùa kinh doanh cao điểm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã cấp hết 13,6% trong tổng 14% hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm nay, hiện Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương nới thêm room.
Tổng Hợp