Không thể phủ nhận, sức nóng đầu tư hạ tầng khiến thị trường BĐS ngày càng sôi động, hấp dẫn. Nhận được sự quan tâm của giới đầu tư địa ốc, cũng xuất phát từ câu chuyện hạ tầng được đầu tư “mạnh tay”.
Kết nối các tỉnh miền Tây
Chủ trương mở rộng tuyến đường QL1A đi qua địa phận TP.Tân An, sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, tạo thuận lợi kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào Tp.HCM.
Hay tuyến metro 3A với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng giúp kết nối 8 quận huyện cũng sẽ một bước ngoặt lớn đối với khu Tây Sài Gòn. Sau khi hoàn thành, tuyến metro 3A sẽ kết nối trực tiếp với metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, kết nối khu vực Đông Bắc và Tây Nam của thành phố, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Tp.HCM ra Long An.
Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, việc đầu tư tuyến đường này nhằm mục tiêu hình thành một tuyến đường xuyên suốt từ Tp.HCM qua Long An đến Tiền Giang; tăng cường kết nối giao thông giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Tp.HCM và các cửa ngõ quốc tế, giảm bớt áp lực giao thông trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 50.
Công trình này sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc cũng như của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp – thương mại – dịch vụ. Đồng thời, đây cũng là công trình được kỳ vọng không chỉ cho Long An mà còn cho cả khu vực Tây Nam bộ trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có thị trường BĐS.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, hiện nay nhu cầu thị trường BĐS tại Long An đang phát triển. Nếu trước đây, khu vực này chủ yếu phát triển đất nền lẻ thì hiện nay có đa dạng phân khúc từ đất nền, nhà phố đến shophouse đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
“Hiện nay, với số vốn khiêm tốn đi mua nhà phố ở khu vực Tp.HCM là thua, theo đó, Long An hay Đồng Nai là sự lựa chọn thích hợp. Nơi đây đang có tính kết nối rất tốt với Tp.HCM, đang là thị trường được nhiều NĐT tìm kiếm”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Sở Giao thông Vận tải Long An đã phê duyệt đầu tư tuyến đường ĐT 827E kết nối với Tp.HCM và tỉnh Tiền Giang với vốn đầu tư gần 20.000 tỉ đồng. Đường ĐT 827E có chiều dài hơn 35 km, điểm đầu tại ranh giới tỉnh Long An – Tp.HCM thuộc địa phận xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc và điểm cuối tại ranh giới tỉnh Long An – Tiền Giang, thuộc địa phận xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tuyến đường này được thiết kế gồm 6 làn đường với vận tốc 60 km/h. Cũng trên tuyến đường này, tỉnh Long An sẽ đầu tư xây dựng 3 cây cầu bắc qua các sông lớn gồm: sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, với tổng nguồn vốn dự kiến gần 2.300 tỷ đồng.
Hạ tầng phát triển để thay đổi diện mạo thành phố mới
TP. Thủ Đức dự kiến cần khoảng 300.000 tỷ đồng để thực hiện các nhóm dự án về hạ tầng giao thông. Trong đó, nhóm đường bộ sẽ cần khoảng 135.000 tỷ đồng, nhóm đường sắt và xe buýt nhanh cần hơn 140.000 tỷ đồng và đường thủy cần khoảng 24.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2030, sẽ có 4 dự án lớn được TP.HCM xây mới như Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng), nút giao An Phú… nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức trong tương lai. Ngoài ra còn có các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) liên quan đến thành phố này với hơn 33km được mở rộng và xây dựng mới như cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; Vành đai 3, Quốc lộ 13…
3 đoạn còn lại của Vành đai 2 là đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội và đoạn từ nút giao Bình Thái qua đường Phạm Văn Đồng, khi hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa ở cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức), cảng Long Bình (quận 9). Còn đường Vành đai 3 dài hơn 90 km đi qua Long An, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, chia làm 4 đoạn, khi khép kín giúp phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho TP HCM còn cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó là phát triển vận tải hàng hóa logistics, cảng biển và ICD tại Cát Lái, Phú Hữu, Long Bình, trung tâm vận tải tại Long Trường, Trường Thạnh.
TP.Thủ Đức sẽ phát triển 8 trọng tâm, bao gồm trung tâm tài chính Thủ Thiêm (Q.2); trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc (Q.9); trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (Q.9); trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (gồm Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học Fulbright, Trường đại học Nông Lâm và các đại học lân cận); trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa và Long Phước (Q.9); trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng quốc tế Cát Lái (Q.2); khu đô thị tương lai Trường Thọ (Q.Thủ Đức). 8 trọng tâm phát triển này sẽ góp phần tăng mức đóng góp GRDP trên 30%.
Liên quan nguồn lực phát triển cho TP.Thủ Đức sắp tới, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhìn nhận các khu vực tiềm năng có thể chuyển thành đất đô thị để mang lại nguồn lực tốt hơn, bao gồm các phường Long Phước, Long Bình, Long Thạnh Mỹ, mở rộng Khu Công nghệ cao (Q.9); P.Trường Thọ và 4 khu công nghiệp – khu chế xuất gần hết thời hạn giao đất, cho thuê đất gồm: Linh Xuân, Linh Trung 1, Linh Trung 2 và Linh Trung 3 thuộc Q.Thủ Đức; hơn 600 ha khu Đại học Quốc gia TP.HCM.