Luật thuế bất động sản dự kiến sẽ tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế nhằm đảm bảo đơn giản, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ Tư pháp đang đề xuất Chính phủ xây dựng dự án Luật thuế bất động sản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung dự án Luật thuế bất động sản vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội…Theo đề xuất, Luật thuế bất động sản dự kiến sẽ tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế nhằm đảm bảo đơn giản, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đáng chú ý, việc đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần để đảm bảo mục tiêu điều tiết cao đối với trường hợp nhà, đất có giá trị lớn.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ áp thuế suất cao với nhà, đất lấn chiếm; bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng; nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích.
Theo Bộ Tư pháp, thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở hiện được quy định là từ 0,03 – 0,15%. Mức thuế suất này chưa đủ lớn để điều tiết mạnh đối với người có quyền sử dụng nhiều đất đai.
Việc nâng mức thuế suất đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh) là cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng lộ trình, tiếp cận từng bước, không nên tạo cú sốc đột ngột đối với thị trường bất động sản.
Sáng 7/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc của lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 1; soát xét các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 cũng như cả năm 2023 của Quốc hội.
Riêng về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan bám sát tinh thần Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên tinh thần cố gắng ở mức độ cao nhất, hoàn thành và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3, thậm chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể làm việc vào ngày nghỉ, giờ nghỉ để xem xét nội dung rất quan trọng này cho kịp tiến độ công việc.
Liên quan đến công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc triển khai các chương trình giám sát của năm nay với 4 chuyên đề giám sát trọng điểm: năng lượng; sách giáo khoa, giáo trình sách giáo khoa; 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các vấn đề y tế, là những vấn đề khó và nóng; cần thường xuyên tăng cường giám sát về tình hình kinh tế vĩ mô, các loại thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn nhằm giám sát các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần đề xuất lựa chọn các vấn đề đúng, trúng, thiết thực cũng như tiếp tục nghiên cứu để đổi mới quy trình và cách thức chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Chất vấn không phải là đánh đố bộ trưởng, trưởng ngành mà cùng nhau làm sáng tỏ để giải quyết những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra. Công khai, minh bạch, làm rõ thực trạng các vấn đề, để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn”.
Về công tác chuẩn bị các chuyên đề giám sát trong năm sau, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên giám sát việc thực hiện các nghị quyết về chương trình phục hồi phát triển kinh tế, các dự án trọng điểm quốc gia, các nghị quyết Trung ương, Nghị quyết Quốc hội, sau đó Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động kế hoạch để tổ chức thực hiện; rà soát lại việc thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban về triển khai công tác giám sát mà theo Nghị quyết hướng dẫn của Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân các cấp, hay là vấn đề đầu tư công trong thời gian tới đây cần tổng rà soát, để tìm ra lý do làm sao cứ “ì ạch” như vậy.
Tổng Hợp
(VTV, VOV)