Đây là quan điểm của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Đỗ Văn Sinh khi nói về dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận vào ngày 26/5 và biểu quyết thông qua cuối tháng 6/2020.
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội hiện đang nhận nhiều tranh luận về nội dung được đề xuất tại khoản 2 Điều 32 quy định nâng mức vốn dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ từ 5.000 tỷ đồng (trong Luật Đầu tư năm 2014) lên 10.000 tỷ đồng. Ý kiến trong Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) về việc này thế nào, thưa ông?
– Đúng là hiện dư luận xã hội cũng như trong chính các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Thực ra, quy định đưa ra như vậy nhưng cũng chưa thấy có cơ sở lập luận cụ thể. Luật Đầu tư ra đời từ năm 2014, quy định mức 5.000 tỷ đồng, đến nay qua 5năm, do tính trượt giá nên Chính phủ “nới” lên mức 10.000 tỷ.
Nội dung này cũng có thể do liên quan đến luật Đầu tư công. Để xây dựng quy định một cách đồng bộ với luật Đầu tư công, cơ quan soạn thảo cũng đưa ra mức kiểm soát lượng vốn tương ứng nhưng thực ra phải phân biệt luật này áp dụng với nguồn vốn đầu tư xã hội nhưng như vậy là vô lý.
Với dự án thực hiện bằng vốn tư nhân thì lẽ ra không cần kiểm soát, chi phối về định lượng vốn sử dụng làm gì, nên để doanh nghiệp quyền tự quyết chứ. Phân biệt nguồn vốn với các dự án đầu tư, theo đó, là để có quy định cho phù hợp.
– Là một Ủy viên thường trực của UB Kinh tế, quan điểm cụ thể của ông về vấn đề này?
– Nói tóm lại, tôi thấy quy định chi phối lượng vốn sử dụng với dự án không sử dụng nguồn vốn ngân sách là không có cơ sở. Theo quan điểm của tôi thì bản chất của công tác quản lý dự án đầu tư không phải như vậy. Nhà nước chỉ nên quản lý về những tiêu chí để dự án đầu tư đảm bảo an toàn quốc gia, mang lại tác động tích cực cho xã hội… Hiện có rất nhiều công cụ khác để quản lý hoạt động đầu tư các dự án như này chứ không phải là đặt ra giới hạn về mức vốn sử dụng vì tiền là tiền của tư nhân mà.
Xung quanh vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội cũng nêu thực tế, cứ thêm mỗi cấp xét duyệt dự án chỉ càng thêm rào cản, doanh nghiệp thêm chi phí (cả chi phí đầu tư, chi phí thời gian, chi phí cơ hội)?
– Phải để doanh nghiệp tự do hoạt động theo luật, khuyến khích, thu hút càng nhiều vốn đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh thì càng tốt.
Tôi biết là cũng có lập luận, khi doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vào một dự án thì có nghĩa là tầm quan trọng và tính lan toả của dự ánrất lớn, có thể tạo ảnh hưởng mạnh mẽ, trong đó nếu ảnh hưởng theo kịch bản tốt thì không sao nhưng ngược lại, nếu có rủi ro thì ảnh hưởng tiêu cực cũng rất đáng ngại nên cơ quan quản lý muốn kiểm soát vấn đề đó.
Nhưng tôi thì cho rằng, vì nhà nước có rất nhiều các công cụ khác để kiểm soát chứ không phải chỉ có công cụ quản lý qua số vốn. Thông thường, mục đích quản lý số vốn là để bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhưng nếu là vốn ngân sách, nhà nước kiểm soát như vậy là đúng còn với vốn tư nhân thì không phải như thế.
Tôi nghĩ rằng, đây chính là một trong những vấn đề phải xem xét lại.
Có nghi vấn rằng đây chính là một biểu hiện muốn giữ quyền, “co kéo lợi ích” của cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương vì khi dự án được đưa lên Thủ tướng quyết định chủ trương nghĩa là phải qua rất nhiều khâu thẩm định, lấy ý kiến, sẽ phải qua “cửa” nhiều bộ, ngành?
– Thực tế là nếu thực hiện theo luật cũ, dự án có vốn 5.000 tỷ đồng đã phải do Thủ tướng quyết định. Nhưng gần đây, cộng đồng doanh nghiệp “kêu” nhiều quá vì đến giờ, số dự án sử dụng vốn vài nghìn tỷ là rất nhiều, tồn đọng không giải quyết hết nên cơ quan soạn thảo luật mới “nới” quy định lên mức 10.000 tỷ.
Và việc chuẩn bị thủ tục, quy trình để một dự án để Thủ tướng quyết định phêt duyệt chủ trương đầu tư thì rất phức tạp, rất mất thời gian. Vậy nên tôi nghĩ đây là một vấn đề thực sự phải xem xét lại.
Nới từ mức 5000 tỷ lên 10.000 tỷ đã là một bước tiến nhưng theo quan điểm của tôi thì cũng không cần kiểm soát bằng công cụ này bởi vì đầu tư xã hội rất khác với đầu tư công.
Với đầu tư công, mục đích là quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Theo đó, trước hết là việc kiểm soát liên quan tới yêu cầu cân đối nguồn vốn, một dự án sử dụng nhiều tiền quá thì phải xem kỹ xem ngân sách có cân đối được hay không.
Tuy nhiên, với nguồn vốn của tư nhân thì càng huy động, khuyến khích doanh nghiệp rót càng nhiều tiền càng tốt, miễn là nhà nước kiểm soát được bằng các công cụ khác. Tiền của người ta cơ mà, mình kiểm soát làm gì. Miễn là làm sao dự án, hoạt động đầu tư không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, đến môi trường, đến các đảm bảo ổn định khác của quốc gia và mang lại hiệu quả.
Khi dự thảo luật này được đưa ra, đã có thông tin cho thấy các địa phương lâu nay đang rất mạnh về việc thu hút vốn đầu tư, như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên… đều lo ngại quy định đi ngược lại quan điểm phân cấp, phân quyền mạnh, địa phươngrất khó chủ động, vẫn phải tiếp tục trông chờ Thủ tướng, các bộ, ngành trung ương?
– Các tỉnh thành “kêu” thế là đúng, vì quan điểm chung của các địa phương là đang khuyến khích, thu hút vốn thì quy định này lại trở thành một điểm hạn chế, vô hình chung lại chính là tạo ra một rào cản cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Khi thẩm tra dự án luật tại UB Kinh tế, cũng có ý kiến cho rằng, vì luật cũ đang quy định mức khống chế là 5.000 tỷ, giờ Chính phủ nâng lên 10.000 tỷ là một bước để tăng sự phân cấp xuống phía dưới. Nhưng nhiều chuyên gia cũng nói với tôi là không nên khống chế mức đầu tư như vậy.
Điều này vô lý vì cả nước đang rất cần khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp đầu tư, giới hạn làm gì. Tiền của người ta bỏ ra, làm thế nào là việc của họ chứ sao lại bỏ bao nhiêu tiền làm ăn cũng phải xin để được đồng ý. Quan trọng nhất là dự án đó, việc bỏ tiền đầu tư vào đó có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, những tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ quan quản lý nhà nước đưa rakhông. Nhà nước có thiếu công cụ quản lý đâu.
Như ông nói thì dường như nghi vấn có việc “cài cắm” lợi ích trong quá trình làm luật là có cơ sở?
– Tôi không muốn nói là có cài cắm lợi ích khi làm luật ở đây nhưng rõ ràng quy định như này là không hợp lý, không hợp lý thì nên bỏ thôi.
Nhìn qua cứ tưởng quy định như này nghĩa là “dây trói” được “nới” ra nhưng thực chất đó vẫn là một rào cản và nó không cần thiết bởi vì nhà nước hiện có tất cả các công cụ khác để quản lý. Quản lý số lượng vốn chỉ cần thiết đối với nguồn vốn đầu tư công, như tôi đã nói.
– Xin cảm ơn ông!
Thái Anh