Lợi nhuận của các ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng lạc quan. Cơ sở đầu tiên cho kỳ vọng này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng – nguồn thu chính của các ngân hàng.
Số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 5,1% so với cuối năm 2020, cao gấp đôi so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 (2,26%).
Nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng tăng trưởng của cả năm và đang xin NHNN cấp cho room mới. Hoạt động ngân hàng năm 2021 được dự báo sẽ có không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên gần nửa năm qua đi, dường như những khó khăn ấy đã được các ngân hàng “hoá giải” khi kết quả kinh doanh bước đầu cho thấy vẫn xuất hiện những con số kỷ lục. Trong khi tín dụng tăng tốt, các ngân hàng lại có được nguồn vốn đầu vào giá rẻ khi mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức rất thấp, chưa kể nhiều ngân hàng còn huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp, hoặc các khoản cấp tín dụng của đối tác nước ngoài, cũng sẽ là cơ hội để ngân hàng mở rộng biên lợi nhuận hơn. Hoạt động dịch vụ, xử lý nợ xấu, thu hồi nợ… của các ngân hàng cũng được triển khai mạnh mẽ. Trong thời gian qua, một số ngân hàng thực hiện ký kết hợp tác bảo hiểm nhân thọ nhưng chưa ghi nhận vào lợi nhuận quý 1, một số khác tranh thủ thị trường chứng khoán thăng hoa, giá cổ phiếu lên cao mang bán cổ phiếu quỹ ra bán cũng sẽ thu về những khoản tiền không nhỏ. Giá bất động sản lên cũng là cơ hội tốt để các ngân hàng bán đấu giá tài sản và thu hồi nợ…
Có hơn chục ngân hàng ghi nhận lợi nhuận nghìn tỷ, trong đó Vietcombank và VietinBank dẫn đầu với mỗi ngân hàng lãi trên 8.000 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận của các ngân hàng công khai báo cáo tài chính (gần 30 ngân hàng) đạt trên 52.000 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần như MSB (gấp hơn 4 lần cùng kỳ), Nam A Bank (gấp hơn 3 lần), SCB (gấp hơn 6 lần), thậm chí như Kienlongbank còn tăng trưởng gấp 12 lần cùng kỳ. Ngay cả các “ông lớn” tưởng chừng khó tăng trưởng mạnh như Vietcombank cũng đạt mức tăng tới hơn 65%, Techcombank tăng gần 77%, MB tăng gấp đôi, và cá biệt VietinBank tăng tới 2,7 lần. Trong thông báo mới đây về việc cổ phiếu MSB của ngân hàng được cấp margin từ ngày 24/6, lãnh đạo nhà băng này cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy, trừ đi kết quả của quý 1 thì trong quý 2, nhà băng này có lãi tới hơn 1.650 tỷ đồng, là kỷ lục mới trong 1 quý của MSB. Và chỉ trong nửa đầu năm nay, MSB đã có lợi nhuận cao hơn so với cả năm 2020. LienVietPostBank cũng tiết lộ kết quả kinh doanh 5 tháng khi cho biết lợi nhuận đã đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi tháng lãi khoảng 370 tỷ đồng. Nếu đà này được duy trì trong tháng 6 thì lợi nhuận của LienVietPostBank 6 tháng đầu năm sẽ khoảng 2.000 tỷ đồng – bằng 80% so với kết quả của cả năm 2020. Tại VietinBank, sau quý 1 đạt lợi nhuận cao kỷ lục hơn 8.000 tỷ, ngân hàng này được giới phân tích kỳ vọng sẽ có những đột phá tiếp theo ở các quý tới. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tin rằng quý 2 VietinBank có thể lãi 6.250 tỷ đồng. Như vậy trong 6 tháng, ngân hàng này sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
NIM được dự báo tiếp tục cải thiện nhờ vào tăng trưởng tín dụng cao và chi phí huy động vốn thấp. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu suy giảm, được thể hiện qua sự gia tăng của lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất qua đêm đã tăng 81 điểm cơ bản và lãi suất liên ngân hàng kỳ hận 1 tháng tăng 1,1 điểm phần trăm. Thanh khoản suy giảm có thể khiến lãi suất tăng, nhưng Yuanta kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất đến cuối năm. Điều này sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn của các ngân hàng và cả lãi suất cho vay. Do đó, dự báo NIM năm 2021E sẽ đi ngang hoặc cao hơn so với năm 2020. Về thu nhập phí, CTCK kỳ vọng trong quý II sẽ tăng nhờ vào doanh thu bancassurance và việc ghi nhận khoản phí trả trước của các ngân hàng như ACB, VietinBank, MSB và Vietcombank.
Khoản trích lập dự phòng là điểm lưu ý được báo cáo Yuanta đề cập, có thể tăng trong quý II, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR tương đối thấp. Dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu trong 3 năm, việc tăng dự phòng ở thời điểm hiện tại để hạn chế tác động khi nợ xấu trong tương lai là một chính sách thận trọng cần thiết.
Cương Nguyễn