Những năm gần đây, thị trường bất động sản tại TP.HCM và vùng giáp ranh đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Loạt dự án được phát triển quanh trục đường nối TP.HCM – Bình Dương…
Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý tại TP.HCM đã khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tìm đến các vùng đất mới.
Với lợi thế giáp ranh, hưởng lợi kết nối hạ tầng, có tiềm năng khách hàng ở thực lớn, đoạn qua địa bàn TP.Dĩ An, phía tiếp giáp với TP.HCM đang là cung đường “màu mỡ” được nhiều chủ đầu tư hướng đến. Hiện tại, các tuyến đường kết nối TP.HCM như đường Lê Trọng Tấn, đường An Bình, đường Thống Nhất… (TP.Dĩ An) đang là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Hiện tại, các tuyến đường trên có cả chục dự án chung cư cao tầng đã và đang được xây dựng.
Giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản tại quận 3 (TP.HCM) cho biết phương châm của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản là “nhất cận thị – nhị cận giang – tam cận lộ”. Chính vì vậy, các dự án quanh những tuyến giao thông quan trọng, kết nối vùng luôn được chú trọng đầu, thu hút người mua. Đặc biệt trong bối cảnh vấn đề pháp lý tại TP.HCM đang khó khăn, việc chuyển dịch về vùng giáp ranh đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp”.
Trong khi đó, ông Phạm Lâm – Chủ tịch HĐQT DKRA Group cho hay: “Bất động sản có vị trí đẹp, tiếp cận với đường lớn, đại lộ… luôn là điểm đến hấp dẫn những nhà đầu tư cũng như khách hàng. Ai cũng muốn sinh sống ở một dự án gần đường để tiện di chuyển đi làm, đặc biệt là các tuyến vành đai, đường kết nối liên vùng, liên tỉnh và kết nối với TP.HCM”.
“Chủ đầu tư dự án cũng nắm rõ điều này, thậm chí có những doanh nghiệp đi trước, tìm những quỹ đất đẹp, chuẩn bị các thủ tục pháp lý để khi tuyến đường được xây dựng thì dự án cũng được quảng bá đến người mua. Và đương nhiên, khi đường được mở rộng, hoặc 1 tuyến đường mới được mở ra, chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển cho cả khu vực, cũng như giá trị bất động sản quanh mặt đường, cận đường cũng sẽ tăng theo”, ông Lâm cho hay.
Khảo sát thực tế, các tuyến đường kết nối với TP.HCM và tỉnh Bình Dương như đường An Bình, đường Thống Nhất, đường Lê Trọng Tấn… đang có những phương án triển khai mở rộng, nối với các điểm giao thông của TP.HCM như kết nối bến xe Miền Đông mới, ga đường sắt Metro, điểm nối từ khu công nghiệp Sóng Thần qua đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức).
Trước lợi thế trên, các chủ đầu tư hiện nay đã đổ về khu vực trên để “đón sóng” hạ tầng giao thông, xây dựng dự án bất động sản. Các tuyến đường này có hàng loạt dự án bất động sản đã và đang được chủ đầu tư xây dựng trên đường An Bình, đường Thống Nhất (TP.Dĩ An) như dự án Phú Đông Sky Graden, Phú Đông Premier, Him Lam Phú Đông của chủ đầu tư Phú Đông Group; Dự án Bcons Plygon của chủ đầu tư Bcons Group hay giáp đó là dự án chung cư Flora Novia Nam Long của chủ đầu tư Nam Long.
Bên cạnh đó, tuyến đường Thống Nhất (TP.Dĩ An) kết nối Xa Lộ Hà Nội (quốc lộ 1) là tuyến đường được mở rộng hơn 6 làn xe, nối thẳng ra bến xe Miền Đông mới và nhà ga Metro. Hàng loạt dự án được các chủ đầu tư đón sóng như New Galaxy Bình Dương của chủ đầu tư Hưng Thịnh Group, dự án Bcons City của chủ đầu tư Bcons Group, dự án LDG Sky của LGD Ivestment…
Ông Ngô Quang Phúc – Tổng Giám đốc Phú Đông Group nhận định: “Việc hạ tầng giao thông phát triển chính là động lực kéo theo sự phát triển của các dự án bất động sản cùng hàng loạt các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ”.
Hiện nay, Bình Dương và TP.HCM đã có nhiều dự án giao thông liên kết vùng, tạo tiền đề giao thương phát triển. Các chủ đầu tư cũng tìm những quỹ đất phù hợp để đón đầu hạ tầng. Ở đây, khi hạ tầng phát triển đi kèm các khu dân cư, khu chung cư sẽ giúp kéo giãn dân, tránh gây áp lực cho những khu vực nội đô. Ngoài ra, việc dự án bất động sản xây dưng cạnh các tuyến đường kết nối vào trung tâm TP.HCM sẽ giúp người dân di chuyển thuận lợi hơn.
Tổng Hợp
(Dân Việt)