Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2020 vẫn khá ‘ì ạch’ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để kéo tăng trưởng tín dụng cả năm theo đúng kế hoạch đề ra, liệu các ngân hàng có đổ tiền vào những lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là bất động sản?
Tín dụng bất động sản đang tăng
Những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn khẳng định đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như cho vay bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…), cơ cấu tín dụng đã có sự điều chỉnh tích cực. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dư nợ tín dụng các lĩnh vực ưu tiên không tăng cao như cùng kỳ năm 2019, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 0,86%, chiếm 24,8%; doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,2%, chiếm 19,2%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,74%, chiếm 2,99%…
Trong khi đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng. Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm. Cụ thể, cuối năm 2017 là 45,63%, cuối năm 2018 là 35,49%, đến cuối năm 2019 là 32,95%. Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng; trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.
Đối với hoạt động cho vay lĩnh vực BOT, BT giao thông, theo NHNN, bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ đã tăng 10,82%, chiếm 1,51% tổng dư nợ, tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35% tổng dư nợ. Ngoài ra, cơ quan này cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán, tín dụng phục vụ đời sống cũng đã được kiểm soát, có xu hướng giảm qua các năm.
Kinh tế phục hồi, tín dụng sẽ tăng trở lại
Qua 5 tháng của năm 2020, tín dụng hiện mới chỉ tăng 1,32% so với cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng tới 5,74%. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết, tín dụng đang tăng trưởng chậm hơn so với mọi năm do nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp không cao. Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn phần lớn phụ thuộc vào tín dụng, nếu mức tăng không cao như kỳ vọng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Do đó, có thể có những lo ngại về khả năng ngân hàng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực rủi ro, nhất là lĩnh vực bất động sản khi các doanh nghiệp bất động sản cũng đang cần nguồn vốn lớn.
Về vấn đề này, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn do thị trường “đóng băng” trước các lệnh về giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trước đây, nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản chủ yếu đến từ ngân hàng nhưng hiện đã bị giới hạn do các ngân hàng lo ngại nợ xấu gia tăng cũng như các quy định về việc áp dụng hệ số rủi ro trong cho vay bất động sản.
Hiện nay, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung phân bổ nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Cơ quan này cũng yêu cầu các ngân hàng phải tiếp tục áp áp dụng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên mức 200%, tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ 4 tỷ đồng trở lên, giảm dần theo lộ trình tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; phải kiểm soát dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu/dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp không vượt quá 5% vốn điều lệ; hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để đầu tư kinh doanh chứng khoán là 150%…
Hơn nữa, thực tế là các ngân hàng cũng đã có nhiều “bài học” với việc cho vay lĩnh vực rủi ro. Như việc cho vay lĩnh vực BOT, BT giao thông. NHNN cho biết, hiện có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác nhưng doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Hơn nữa, với việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, các doanh nghiệp đã và đang quay trở lại mạnh mẽ để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được tung ra thì tín dụng trong những tháng còn lại của năm vẫn còn nhiều cơ hội để phục hồi, dù có thể không đạt được như mục tiêu ban đầu.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS.Cấn Văn Lực cho biết, thời gian gần đây, huy động vốn và tín dụng đã sôi động trở lại. Thị trường nội địa đã nhộn nhịp trở lại, tiêu dùng cá nhân của Việt Nam cũng rất lớn. Do đó, nếu có biện pháp kích cầu trong nước, bao gồm cả tiêu dùng nội địa thì khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh hơn. Nhờ đó, tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trở lại, đến hết quý 2 sẽ đạt khoảng 3,5-4%, hết năm sẽ đạt khoảng 9-10%. Mức tăng trưởng tín dụng này dù không đạt con số 14% kế hoạch năm 2020 mà NHNN đề ra, nhưng cũng là tương đối lớn vì phát triển kinh tế xã hội của chúng ta đang ở mức tương đối cao so với khu vực.