Trừ mặt hàng sắt thép tăng giá có nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào như phôi, quặng nhập khẩu tăng giá, thì đa số vật liệu xây dựng khác như xi măng, gạch, ống nhựa, cát… giá tăng phần lớn là do các đại lý theo cơn sốt đất tăng giá không ngừng làm cho các doanh nghiệp xây dựng lao đao.
Nếu Nhà nước không có chính sách kiểm soát giá hay xem xét thay đổi việc điều chỉnh tổng mức đầu tư với một số dự án hợp đồng trọn gói thì nhà thầu cầm chắc thua lỗ, thậm chí phá sản.
Giá vật liệu xây dựng tăng đã khiến giá trị các gói thầu bị đẩy lên cao hơn so với thời điểm dự án được cơ quan chức năng phê duyệt tổng mức đầu tư, cũng như khi đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công dự án. Tuy vậy, vì đã lỡ ký hợp đồng nên doanh nghiệp buộc phải “cắn răng” làm, nếu không sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng. Giá cả vật liệu xây dựng lên cao khiến nhiều doanh nghiệp đang thi công các gói thầu dự án đầu tư công theo hình thức hợp đồng trọn gói điêu đứng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng giá thép tăng đột biến 40 – 45% so với cuối năm 2020, ximăng thời gian qua cũng tăng giá 30.000 – 40.000 đồng/tấn… khiến trước đây xây thô giá 1m2 nhà riêng lẻ khoảng 4 triệu đồng, giờ phải 4,5 – 4,8 triệu đồng, vì thế giá nhà chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới. Để tránh chuyện làm giá, cơ quan chức năng cần làm rõ giá nhập quặng thép quý 4 là bao nhiêu để có giải pháp kiểm soát giá phù hợp. Các nhà thầu rất mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước làm rõ biến động giá phôi thép nhập khẩu có tương ứng với biến động tăng giá thép đột biến trên thị trường 5 tháng đầu năm. Ông Hiệp cảnh báo ngành xây dựng hiện đóng góp khoảng 8-9% GDP cả nước, nếu ngành xây dựng bị tê liệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% năm nay. Giá thép cứ tăng đến hết quý 3 như dự báo, theo ông Hiệp, nhiều dự án xây dựng sẽ vỡ trận, công ty xây dựng sẽ đóng cửa, phá sản, nhiều công trình sẽ đình trệ…
Thông tin được Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Theo báo cáo, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12.2020 và tăng 2,9% so với tháng 5.2020.
Ngày 28.5, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cho biết, hiệp hội này vừa có văn bản gửi các cơ quan có liên quan về tình hình giá vật liệu đầu vào tăng cao. Trong đó, đặc biệt là mặt hàng thép các loại, giá tăng rất mạnh. Một số vật liệu còn xảy ra khan hiếm bất thường như cát xây dựng. Tính trong tổng giá trị công trình thì chi phí vật liệu đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, theo Hiệp hội, đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỉ đồng thì có thể bù lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.
Nhìn tổng thể tỷ trọng các loại chi phí một dự án nhà ở để thấy rằng giá thép tăng mạnh trong những tháng qua, cộng với giá các vật liệu xây dựng khác cũng tăng cao sẽ tác động lập tức đến giá nhà. Thông thường giá bán căn hộ trên thị trường sẽ được chủ đầu tư điều chỉnh theo biên lợi nhuận kỳ vọng. Khi chi phí tăng lên thì giá thành cũng đội lên để đảm bảo lợi nhuận vì không ai xác định kinh doanh lỗ. Điều này dẫn đến kịch bản các chi phí bị tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh.
Nhật Hạ