Thời gian tới lãi suất huy động sẽ tăng nhanh bởi các ngân hàng đã được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Đối với nhiều doanh nghiệp thì “vay được đã là mừng”, bởi vấn đề mà các doanh nghiệp này đang phải đối mặt không phải là câu chuyện lỗ hay lãi mà là sự sống còn, là thanh toán. Vì vậy, để vay được vốn thì việc lãi vay cao hay thấp doanh nghiệp đều phải chấp nhận.
Công ty chứng khoán KB (KBSV) cũng nhìn nhận lãi suất huy động sẽ nhích lên nửa cuối năm trước áp lực lạm phát và nhu cầu tín dụng hồi phục. Với kịch bản lạm phát tăng 3,8%, KBSV dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng tăng 0,5-1%, đẩy lãi suất cho vay tăng khoảng 0,4 – 0,7%/năm.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thì khuyến nghị: “Hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng”.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thừa nhận, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại thời gian qua có biến động tăng.
Tuy nhiên, theo thống kê của Phó Thống đốc, lãi suất huy động chỉ tăng 0,25% và lãi suất cho vay là 0,24% – đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Hiện tại, lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9 – 9,3%, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới; lãi suất huy động bình quân từ 6,3 – 6,8% đối với kỳ hạn trên 1 năm. Các mức lãi suất này so với các năm gần đây đã được duy trì khá ổn định.
Dự báo diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, sẽ phụ thuộc vào nhiều ẩn số liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô và lạm phát. Tuy nhiên, trong vài tháng tới, lãnh đạo OCB dự báo lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm do chịu áp lực mạnh hơn từ lãi suất đầu vào.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ chưa dừng đà tăng, khi mà lãi suất huy động tăng nhanh.
Cụ thể, chỉ trong những ngày gần đây, đã có tới gần 20 ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất huy động trong những ngày gần đây và đẩy lãi suất tiết kiệm cao nhất lên 8,8%/năm.
Cũng theo giới phân tích, thời gian tới lãi suất huy động sẽ tăng nhanh bởi các ngân hàng đã được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, từ 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm từ 37% xuống 34%, kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn. Hai yếu tố này đẩy chi phí vốn bình quân của các ngân hàng cao hơn, kéo theo đó lãi suất cho vay tiếp tục tăng cao trong các tháng cuối năm.
Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm hạn mức tín dụng cho các nhà băng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đây là động thái hiển nhiên trong bối cảnh nền kinh tế cần được “tiếp sức” để tiếp tục quá trình phục hồi.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, dòng vốn tiếp tục đổ vào nền kinh tế trong khi rủi ro lạm phát ngày càng cao không khác gì “lửa đổ thêm dầu”, gây áp lực lên lãi suất huy động. Lãi suất cho vay cũng chịu tác động đi lên.
Nhiều doanh nghiệp, người vay vốn kinh doanh như “ngồi trên đống lửa” vì lo ngại phải vay vốn đắt đỏ hơn trước, trong khi cạnh tranh thì càng gay gắt do chi phí đầu vào vẫn đang tăng mạnh.
Tổng Hợp