Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm 2023 có thể giảm 1,5 – 2%/năm.
Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt hạ lãi suất điều hành kể từ giữa tháng 3/2023, nhưng tốc độ thẩm thấu chính sách tiền tệ vào nền kinh tế chậm, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp kỷ lục. Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ thì chính sách giảm lãi suất không mang nhiều ý nghĩa. Do đó, giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024, nhà điều hành sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm khơi thông cung tiền và tín dụng.
Để cạnh tranh thị phần tín dụng, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho những nhóm khách hàng đặc thù.
Từ mức lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng lên đến 13 – 15%/năm cuối năm 2022, đầu năm 2023, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh, nhưng chủ yếu vẫn trên ngưỡng 10%/năm. Vì thế, giới phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên vận dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kéo “hàng tồn kho huy động vốn” xuống bằng một số công cụ như điều chỉnh dự trữ bắt buộc, triển khai các nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt. Đồng thời, các tổ chức tín dụng có thể dùng trái phiếu chính phủ thế chấp Ngân hàng Nhà nước để vay tiền, kéo lãi suất trên thị trường mở xuống thêm và thời gian vay trên thị trường mở kéo dài hơn, có thể cho vay 6 tháng, 1 năm. Hay Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các tổ chức tín dụng bằng cách cho phép dùng tài sản đảm bảo của người vay để vay tái cấp vốn.
BVSC nhận định, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, qua đó kích cầu tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động hiện đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn dịch Covid-19, nên dư địa giảm thêm không còn nhiều. Nhưng nếu tín dụng tăng thấp, các ngân hàng thừa vốn buộc phải giảm thêm lãi suất huy động. Tuy vậy, lãi suất cho vay khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động.
Thực tế, sau chỉ đạo bằng văn bản của cơ quan quản lý mới đây, các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,2 – 2,5%/năm trong 6 tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính – ngân hàng dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ giảm từ 1,5 – 2%/năm.
Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND khoảng 7 – 8%/năm, cho vay trung và dài hạn khoảng 10 – 12%/năm là hợp lý. Vì thế, các ngân hàng cần tập trung giảm lãi suất cho vay, chứ không phải giảm lãi suất huy động, bởi chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tổ chức tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm thúc đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc; đồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm lãi suất cho vay…, nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn chậm, bởi nhiều doanh nghiệp không hấp thụ được vốn nên không muốn vay.
Ông Đào Minh Tú đề xuất 4 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng: một là, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; hai là, phát triển các loại thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; ba là, nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; bốn là, nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)