Đến giữa tháng 9, lãi suất huy động kì 12 tháng tại nhiều ngân hàng lớn đã giảm xuống dưới 6%/năm. Dự báo trong thời gian tới, lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm thêm khi thanh khoản hệ thống vẫn trong tình trạng dư thừa.
Lãi suất huy động kì hạn 12 tháng xuống thấp kỉ lục
Sau nhiều đợt giảm mạnh kể từ đầu năm, lãi suất tiền gửi kì hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng đã xuống dưới 6%/năm, mức thấp kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Từ đầu tháng 9, mức lãi suất Techcombank áp dụng cho tiền gửi kì hạn 12 tháng tại quầy, nhận lãi cuối kì giảm xuống 4,8% đối với khách hàng thường và 5 – 5,2%/năm đối với khách hàng ưu tiên. Riêng hình thức nhận lãi định kì hàng tháng và hàng quí, lãi suất được hưởng chỉ ở mức 4,6%/năm và 4,7%/năm.
Tại ACB, lãi suất áp dụng cho kì hạn 12 tháng, lãi nhận cuối kì cũng chỉ dao động 5,7 – 5,95%/năm, tùy theo số tiền gửi. Lãi suất 6%/năm chỉ dành riêng cho khách hàng gửi từ 10 tỉ đồng trở lên. Với các hình thức nhận lãi theo quí, theo tháng và nhận lãi trước, khung lãi suất áp dụng cho kì hạn 12 tháng chỉ dao động trong khoảng 5,3 – 5,8%/năm.
Tiền gửi kì hạn 12 tháng tại MSB được nhận mức lãi suất từ 5,3 đến 5,9%/năm, ở tất cả các sản phẩm huy động. Lãi suất 7%/năm chỉ dành riêng cho khách hàng gửi số tiền trên 200 tỉ đồng tại sản phẩm Lãi suất cao nhất.
Ngoài các ngân hàng trên, lãi suất tiền gửi tối đa áp dụng cho kì hạn 12 tháng của Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV hiện cũng chỉ còn 6%/năm.
Tại các ngân hàng nước nước ngoài, mức lãi suất huy động cho kì hạn này thậm chí còn thấp hơn nhiều.
Đơn cử như HSBC, nhà băng này đang niêm yết mức lãi suất 1,75% cho hình thức nhận lãi cuối kì và 1,74% cho hình thức nhận lãi định kì hàng tháng. ShinhanBank cũng huy động tiền gửi 12 tháng với mức lãi suất 4,5%/năm.
Tại ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, kì hạn 12 tháng chỉ được hưởng lãi suất 0,33% với khách hàng thông thường và 0,43%/năm đối với khách hàng ưu tiên. Ngân hàng áp dụng biểu lãi suất cao hơn hẳn đối với hình thức gửi tiền online khi kì hạn 12 tháng được áp dụng mức 1,5%/năm.
Lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm thêm
Theo thống kê của người viết, riêng trong tháng 8, lãi suất tiền gửi đã giảm thêm 0,2 – 0,4 điểm % ở các kì hạn ngắn và 0 – 0,2 điểm % tại các kì hạn dài. Lũy kế 8 tháng, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 0,5 – 2,1 điểm % ở tất cả các kì hạn.
Hiện nay, lãi suất tiền gửi phổ biến ở 3 – 4%/năm với kì hạn dưới 6 tháng, 4,2 – 6%/năm với kì hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5 – 6,7%/năm với kì hạn 12, 13 tháng. Trong đó, lãi suất tiền gửi của các NHTM cổ phần hầu hết cao hơn NHTM Nhà nước khoảng 0,5 – 1,5%/năm ở tất cả kì hạn, nhưng cá biệt một số ngân hàng có lãi suất huy động kì hạn 12 tháng trở lên còn thấp hơn cả khối NHTM Nhà nước như ACB và Techcombank.
Dự báo về xu hướng, giới phân tích nhận định lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm vào những tháng cuối năm trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi vẫn cao hơn so với tín dụng.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến 26/8/2020, tín dụng mới tăng trưởng 4,23% so với thời điểm cuối năm 2019, trong khi đó tăng trưởng tiền gửi vẫn rất tốt.
Tính riêng tại TP.HCM, đến hết tháng 8, huy động vốn đạt hơn 2,66 triệu tỉ đồng, tăng 4,55% so với cuối năm 2019 và tăng 11,6% so với cùng kì. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 4% (theo báo cáo của NHNN).
Trong báo cáo thị trường mới đây, Bộ phân phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, chênh lệch huy động – tín dụng nới rộng khiến tiền VND đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng.
Tổ chức này kì vọng lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp khoảng 0,5 – 0,7 điểm % ở kì hạn dưới 12 tháng và 0,2 – 0,5 điểm % ở các kì hạn từ 12 tháng trở lên trong 5 tháng cuối năm 2020.
Chứng khoán VNDirect cũng dự báo lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ giảm 0,25-0,5 điểm % trong nửa cuối năm, trong đó lãi suất huy động các kì hạn ngắn có thể giảm mạnh hơn so với các kì hạn dài.
Theo T.S Nguyến Trí Hiếu, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm khi Chính phủ và NHNN vẫn duy trì xu hướng nới lỏng tiền tệ nhằm hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh cắt giảm lãi suất huy động khi nhu cầu vay vốn ở mức thấp và thanh khoản dư thừa.
“Huy động vẫn tăng trưởng tốt trong khi hoạt động cho vạy chậm lại khiến thanh khoản các ngân hàng dư thừa. Do vậy, không có lí do gì để các họ giữ nguyên lãi suất huy động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Trong trường hợp dịch được kiểm soát và nhu cầu vay vốn phục hồi, lãi suất cũng có khả năng quay đầu tăng trở lại.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng