Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, diễn biến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua các kênh bán ngoại tệ, phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn trên thị trường mở cho thấy hàm ý rằng ngân hàng trung ương sẽ kiểm soát chặt chẽ thanh khoản tiền đồng trong hệ thống từ nay đến cuối năm nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Đồng thời, việc vay tiền từ NHNN sẽ không còn rẻ như trước bởi những ngân hàng bị thiếu hụt về thanh khoản buộc phải đấu thầu để vay với mức chi phí cao hơn.
Ngoài ra, trong tháng 7/2022, với việc NHNN tuyên bố giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 14% trong khi tăng trưởng tín dụng đến 26/7 đã là 9,4% đồng nghĩa với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ cho dù NHNN chưa có động thái nâng lãi suất điều hành. VDSC cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành có thể diễn ra đầu năm 2023 với mức tăng khoảng 0,5 điểm %.
Trong báo cáo vừa phát hành, CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định, nhu cầu mua nhà của người dân có thể gặp nhiều thách thức hơn do chịu ảnh hưởng bởi lạm phát chi phí đẩy, lãi suất gia tăng và tín dụng hạn chế.
Theo quan sát của nhóm phân tích, tính đến cuối tháng 7/2022, lãi vay mua nhà thế chấp của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và ngân hàng tư nhân tăng lần lượt 7 điểm cơ bản lên 9,2% và 30 – 40 điểm cơ bản lên 9,8%, so với mức cuối năm 2021, sau khi lãi suất huy động tăng trở lại.
Lãi suất vay mua nhà đã tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trở lại và dự báo có thể tăng 30 – 50 điểm cơ bản trong nửa cuối nay. Ngoài ra, trong bối cảnh tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng tư nhân dự báo có thể tăng lên 10 – 10,5%/năm vào cuối năm, vẫn thấp hơn so với mức 11 – 11,5%/năm trước đại dịch.
NHNN đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng đối với đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản. Bên cạnh đó, theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống còn 34% từ tháng 10/2021 và 30% từ tháng 10/2022.
Nhiều khả năng NHNN sẽ nâng “trần” tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ cuối quý III/2022. Tuy nhiên, VNDirect tin rằng, dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, nông lâm nghiệp, thủy sản. NHNN sẽ kiểm soát cẩn trọng dòng tín dụng vào các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT.
Tương tự, các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho rằng, thị trường bất động sản đang đối mặt với rủi ro khi việc thắt chặt tiền tệ bắt đầu diễn ra. Tâm lý không tốt từ nhà đầu tư sẽ dẫn đến nhu cầu nhà ở thấp và một lần nữa gây áp lực lên điều kiện tài chính của các chủ đầu tư.
Trong bối cảnh NHNN tuyên bố hạn chế giải ngân vốn vào thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng đã đạt giới hạn room tín dụng dẫn tới nhiều người sẽ khó vay tiền mua nhà dài hạn. Lãi suất cao hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu cơ, họ không thể bán nhà khi không có dòng tiền mua mới và thanh khoản. Nhóm phân tích nhận thấy, áp lực từ lạm phát, chính sách của Fed và tỷ giá hối đoái lên lãi suất sẽ khiến lãi suất cho vay tăng cao từ nay đến cuối năm và năm 2023.
Nhìn trong bối cảnh hiện nay, theo nhận định của Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển tại Hội thảo “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới”, nền kinh tế Việt Nam đang có xu thế phát triển từ thâm dụng vốn, tức là đòi hỏi phải tăng trưởng tín dụng mới tăng trưởng được kinh tế.
Theo số liệu của vị chuyên gia này, vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nợ trên vốn của doanh nghiệp ở mức cao 1,5; tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn GDP trong 5 năm gần đây.
Nợ nước ngoài tăng mạnh dù vẫn trong tầm kiểm soát nhưng là điều đáng quan tâm. Nợ công của Chính phủ ổn định nhưng nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng và nếu như không kiểm soát được khoản nợ này thì sẽ rất nguy hiểm. Ông Hiển dẫn số liệu thống kê từ 40 doanh nghiệp lớn niêm yết thuộc 4 lĩnh vực cho thấy, các công ty có xu hướng thâm dụng vốn trở lại từ năm 2018 – 2022.
Trong đó, ngành đáng lo ngại nhất là bất động sản và xây dựng (chủ yếu là bất động sản) khi ngành này vay nợ rất lớn. Tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu lên tới hơn 700% trong 6 tháng đầu năm 2022, chứng tỏ vòng quay vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất chậm.
Nói về nguồn vốn huy động năm 2022, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, chỉ có nguồn vốn FDI là điểm sáng. Còn lại ba nguồn khác là tín dụng ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu đều khó khăn. Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp cho thấy 80% gặp khó khăn về vốn, chỉ có 20% chủ động được.
Trong bối cảnh hiện nay, vị này cho rằng, cần có giải pháp huy động vốn bền vững. Nếu nới room tiếp thì có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất, nếu nới room có ảnh hưởng đến chính sách kinh tế tài chính của Chính phủ trong vấn đề vĩ mô hay không ở đây không phải là lạm phát (chỉ là hệ quả), mà là thâm dụng vốn. Thứ hai, một mặt giữ nguyên mục tiêu tín dụng tương ứng với phát triển kinh tế, một mặt là vì áp lực trên thị trường bất động sản buộc phải nới room để cứu.
Tổng Hợp