Nếu ví von động thái hạ lãi suất, nới room tín dụng là “vặn vòi” để nước trong bình là tiền chảy ra thì trong 8 tháng đầu năm, vòi đã từng bước được mở nhưng nước trong bình chưa nhiều nên dòng tiền chưa chảy vào nền kinh tế như kỳ vọng.
Điều này xuất phát từ cả phía cung lẫn phía cầu, cụ thể doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vì nhu cầu tiêu thụ yếu, lãi suất ở mặt bằng cao, còn ngân hàng thận trọng để kiểm soát rủi ro. Nhưng những tháng cuối năm, áp lực tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, cộng thêm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng lên để đáp ứng đơn hàng đang dần hồi phục sẽ giúp dòng tiền chảy vào nền kinh tế mạnh hơn.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán VPBankS nhận xét, áp lực tỷ giá USD đang gia tăng tại khu vực châu Á trước dữ liệu kinh tế suy yếu của Trung Quốc và chính sách duy trì nới lỏng của Nhật Bản. Mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lên tới trên 500 điểm cơ bản đang kích thích hoạt động đầu cơ, tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND trong những tuần gần đây. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ tăng lên theo mùa vụ đã tác động không nhỏ tới tỷ giá VND/USD.
“Áp lực lên VND đã tăng, dù chưa đến mức đáng ngại nhưng cũng có thể khiến kỳ vọng về việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành gặp nhiều khó khăn hơn”, ông Sơn nhận định.
Không đồng tình với quan điểm đã hết dư địa giảm lãi suất, tăng cung tiền, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế phân tích, lạm phát tại Việt Nam lúc cao nhất 3,31%, chỉ tương đương 1/3 của Mỹ trong giai đoạn vừa qua, trong khi lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm của Việt Nam lên tới 14 – 15%/năm, ở vài ngân hàng lớn là 11 – 12%, cao gấp đôi so với lãi suất kỳ hạn 30 năm ở Mỹ (7,31%/năm).
“Năm ngoái, chúng ta 2 lần tăng lãi suất, mỗi lần 1%/năm, vì chúng ta cảm thấy rằng VND có thể mất giá so với USD, tăng lãi suất lên để kéo tỷ giá, nhưng không ngờ lãi suất vừa tăng lên thì chỉ số USD Index từ 115 điểm rơi xuống 104 điểm. Điều này chẳng khác gì tưới cây khi trời mưa, khiến 2% tăng năm ngoái là oan uổng cho doanh nghiệp, năm nay phải trả và bù đắp cho họ để hy vọng họ có thể vượt qua khó khăn. Vì thế, chúng tôi kiên trì kiến nghị phải tiếp tục giảm lãi suất”, ông Nghĩa nói thêm.
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBanks cho biết, đã hai quý liên tiếp doanh nghiệp niêm yết suy giảm lợi nhuận và dữ liệu thống kê 8 năm gần đây cho thấy, chưa bao giờ nhóm này có 3 quý suy giảm liên tiếp. Theo đó, ông Dương dự báo, quý III và quý IV năm nay, các doanh nghiệp niêm yết sẽ có lợi nhuận tăng trưởng cao hơn hai quý đầu năm. Thêm vào đó, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng mới đạt 215.578,9 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch cả năm. Việc giải ngân mạnh đầu tư công nửa cuối năm sẽ là vốn mồi cho tăng trưởng tín dụng. Lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tạo đáy trong quý III và tăng trở lại trong quý IV.
Ông Lê Xuân Nghĩa kỳ vọng đầu tư nước ngoài trên bình diện toàn cầu thì yếu ớt nhưng ở Việt Nam tăng mạnh hơn, nhờ đơn hàng đang dần phục hồi, nhà đầu tư nước ngoài cũng không chịu ảnh hưởng bởi môi trường lãi suất cao của Việt Nam. Đây sẽ là động lực khá vững, thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Bên cạnh đó, đầu tư công vẫn đang được đẩy quyết liệt và động lực quan trọng không kém là tiêu dùng nội địa.
Trước khi Vinfast niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ, ông Nghĩa theo dõi chặt chẽ diễn biến của đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của doanh nghiệp này để “đo” lòng tin của thị trường. Theo quan sát của ông Nghĩa, hồ sơ phát hành trái phiếu của Vinfast được cơ quan quản lý xử lý nhanh và sau khi được chấp thuận, số nhà đầu tư “đi vào” lô trái phiếu này khá mạnh mẽ, tất nhiên nhờ uy tín của VinGroup, cộng với lãi suất khá hấp dẫn, lên tới 15%/năm.
“Đây là phép thử cho thấy niềm tin của thị trường đang phục hồi, tinh thần kinh doanh của người Việt Nam không bị đánh sập hoàn toàn. Điều chúng ta hy vọng tạo ra sức bật cho thị trường chứng khoán, cho nền kinh tế trong thời gian tới”, ông Nghĩa nói.
Tổng Hợp
(ĐTCK)