Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra thông tin “Ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo”.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ nhận được Báo cáo số 96/2023/TTĐT ngày 20/2/2023 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về “Ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo” theo báo điện tử Zing News ngày 19/2/2023.
Bài báo thông tin: Chỉ trong nửa đầu tháng 2, hàng loạt ngân hàng như Agribank, VietinBank, BIDV, NCB, Sacombank… liên tục rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi và xử lý nợ xấu. Trong đó, tài sản được mang ra đấu giá chủ yếu là bất động sản. Đáng chú ý, bên cạnh các khoản nợ có giá trị lớn từ vài trăm tỷ cho tới cả nghìn tỷ đồng, các nhà băng còn rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo với giá trị chỉ từ vài chục nghìn đồng.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra thông tin trên.
Để tổ chức tín dụng yên tâm bán nợ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quy định thẩm định giá các khoản nợ xấu. Hiện chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ, nên các tổ chức tín dụng lúng túng trong xác định mức giá khởi điểm khi cho mua bán nợ.
Hiện các ngân hàng đều đang “nóng lòng” muốn xử lý dứt điểm những khoản nợ xấu khó đòi bằng cách rao bán tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, NCB hiện đang liên tục đăng thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của cá nhân, doanh nghiệp là bất động sản, nhà máy… thậm chí mới đây, lô hàng (tài sản hình thành từ vốn vay) của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận Phát, thông báo NCB cho biết, tài sản đảm bảo đã bị tẩu tán, khó có khả năng thu hồi.
Đáng chú ý, Vietinbank chi nhánh KCN Biên Hòa thông báo, đang phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp tiến hành các thủ tục bán đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành, với tổng giá trị khoản nợ tạm tính theo sổ sách đến hết năm 2022 là hơn 1.297 tỷ đồng.
VietinBank lưu ý khoản nợ trên không còn tài sản đảm bảo do đã xử lý bán đấu giá tài sản năm 2018. Trong lần rao bán trước đó, VietinBank ghi nhận khoản lãi cộng dồn đến 8/12/2022 là hơn 704 tỷ đồng.
VietinBank thông báo bán đấu giá 321 khoản nợ vay tiêu dùng của 321 cá nhân với tổng giá khởi điểm hơn 6 tỷ đồng. Đây là các khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, giá trị đấu giá khởi điểm từ gần 13.000 đồng tới hơn 68 triệu đồng. Khách hàng có thể đăng ký mua một khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả khoản nợ trong số 321 khoản nợ này.
Qua 3 năm khó khăn do dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp được khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ… Nhưng hiện tại, chính sách này đã hết và các ngân hàng phải hạch toán đúng, đủ tình trạng nợ của khách hàng.
Theo FiinRatings, sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN kết thúc (30/6/2022), các ngân hàng bắt đầu đối mặt với nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu.
Khảo sát báo cáo tài chính của 27 ngân hàng có niêm yết trên thị trường chứng khoán, tính đến cuối năm 2021, có 13/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên, 11/27 ngân hàng giảm xuống. Tỷ lệ nợ xấu trung bình năm 2022 của 27 ngân hàng đã tăng gần 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Saigonbank nợ xấu của ngân hàng tăng từ mức 1,97% đầu năm lên 2,12% cuối năm 2022; TPBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,34% đầu năm lên 2,88%. Tại VIB, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%; Con số này ở LienVietPostBank tăng từ mức 1,37% đầu năm lên 1,46% tại thời điểm cuối năm 2022; Ngân hàng Bản Việt, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,53% đầu năm lên mức 2,79% vào cuối năm 2022…
Chính sách này đã hết và các ngân hàng phải hạch toán đúng, đủ tình trạng nợ của khách hàng. Đáng nói, nguy cơ nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng, trong khi “chợ nợ xấu” mua bán vẫn… èo uột.
Tổng Hợp
(Báo Chính Phủ, vnbusiness)