Theo các chuyên gia, mặc dù đà giảm tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu chậm lại nhưng chưa đủ để lạc quan.
Kể từ khi thị trường trái phiếu suy sụp, thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, thị trường chứng khoán lao dốc…, tập đoàn bất động sản T. có trụ sở tại TP.HCM rơi vào cảnh khát tiền chưa từng có bởi không tiếp cận được các khoản vay mới, trong khi nguồn vốn dự phòng liên tục hao hụt do sức ép mua lại trái phiếu trước hạn.
Để sống sót, tập đoàn này đã phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó chấp nhận chuyển nhượng dự án cho đơn vị khác, đồng thời “bán lúa non” tại một số dự án để có nguồn tiền duy trì hoạt động…, song cũng không dễ dàng trong bối cảnh người mua còn dè dặt, cửa tín dụng chưa thực sự rộng mở như hiện nay.
Trong tháng 8/2023, một số ngân hàng đã tung ra những gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng, các khoản vay cũ cũng được điều chỉnh giảm nhưng chậm hơn. So với thời điểm đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm từ 1-2%/năm.
Hiện tại, hầu hết ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất, đó là lãi suất vay ưu đãi trong một khoảng thời gian cố định và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh tăng lãi suất cho vay trước và sau ưu đãi phổ biến từ 2-3,8%/năm. Cụ thể, lãi suất ưu đãi khi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng dao động từ 7,5-11,8%/năm, sau thời gian ưu tăng lên 10,5-15,5%/năm.
Trạng thái thị trường chưa tích cực khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể bán hàng như kỳ vọng. Nhìn toàn cảnh thị trường nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng đều ghi nhận tình trạng giao dịch đình trệ cả rổ hàng sơ cấp (chủ đầu tư mở bán) lẫn rổ hàng thứ cấp (đầu tư mua đi bán lại). Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không ghi nhận doanh thu từ hoạt động cốt lõi là bán bất động sản cả quý II vừa qua.
Đơn cử, tại Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, đóng góp chủ yếu vào tổng doanh thu quý II/2023 là doanh thu bán điện với 33 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hóa 11,46 tỷ đồng. Trong kỳ, Quốc Cường Gia Lai không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào từ bất động sản, trong khi cùng kỳ thu về gần 475 tỷ đồng. Trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), doanh nghiệp này cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu quý II/2023 giảm mạnh là do thị trường bất động sản khó khăn, giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục rơi vào thấp điểm nên không phát sinh doanh thu.
Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt không ghi nhận doanh thu chuyển nhượng nhà đất trong quý II/2023, ngoại trừ 5 tỷ đồng doanh thu cung cấp dịch vụ. Trong kỳ, dòng tiền của Phát Đạt phần lớn đến từ việc bán tài sản, chuyển nhượng công ty con và đi vay. Giải trình về kết quả kinh doanh, Phát Đạt cho biết là do tình hình khó khăn chung nên việc đầu tư – kinh doanh vào các dự án không được thuận lợi.
Theo các chuyên gia, mặc dù đà giảm tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu chậm lại nhưng chưa đủ để lạc quan. Dữ liệu nghiên cứu của Batdongsan.com.vn cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, các chỉ số của thị trường nhà đất bán chưa cải thiện nhiều, mức độ quan tâm vẫn giảm 33% và lượng tin đăng giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát mới đây với hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, chỉ 21% doanh nghiệp đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực và rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy cơ hội từ thị trường, sẵn sàng tham gia giao dịch thì lại bị chôn vốn, phải tập trung xử lý áp lực tài chính từ các khoản vay đầu tư trước đó.
Tổng Hợp
(ĐTCK)