Đi cùng với sự tăng trưởng về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng rất tích cực khi có những phiên giao dịch cán mốc tỷ USD. Với miếng bánh thị phần hầu như tập trung trong tay các ông lớn, không ngạc nhiên khi nhiều công ty chứng khoán nhỏ vẫn phải chịu thua lỗ.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân riêng HOSE đạt trên 19.639 tỷ đồng/phiên với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 704,06 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 198,44% về giá trị và tăng 106% về khối lượng so với mức thanh khoản năm 2020.
Trong nửa đầu năm 2021, đặc biệt là riêng quý II/2021, chỉ số VN-Index gây ấn tượng khi vượt mốc 1.400 điểm và tăng trưởng gần 26% so với số đầu năm. Tương tự, HNX-Index và UPCOM cũng tăng lần lượt 56,7% và 21,6%. Sự bùng nổ của các chỉ số được giải thích nhờ vào dòng tiền F0 mạnh mẽ gia nhập thị trường. Riêng tháng 6/2021 đã có 140.054 tài khoản cá nhân trong nước được mở mới. Đây là con số cao kỷ lục và là tháng thứ 4 liên tiếp cá nhân mở mới trên 100.000 tài khoản. Lũy kế 6 tháng đầu năm, các cá nhân trong nước mở mới 619.911 tài khoản, cao hơn đến 58% so với cả năm 2020 – năm mà thị trường cũng ghi nhận số lượng mở mới cao kỷ lục (392.527 tài khoản). Cùng nhờ vậy, hàng loạt công ty chứng khoán đã ghi nhận KQKD tích cực, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành như VPS, SSI, VND, VCI, MBS, SHS, HCM…
Top 10 công ty chứng khoán lớn đã chiếm xấp xỉ khoảng 65% thị phần môi giới cổ phiếu sàn HOSE và HNX. Với miếng bánh còn lại là rất ít, không ngạc nhiên khi nhiều công ty chứng khoán vẫn phải chịu thua lỗ trong quý II/2021 và/hoặc 6 tháng đầu năm 2021, bất chấp TTCK liên tục có những diễn biến khởi sắc.
Đơn vị lỗ nặng nhất trong quý II/2021 là CTCP Chứng khoán Đại Việt (DVSC), với con số là -4,2 tỷ đồng. Tính riêng quý II, doanh thu hoạt động DVSC đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đến chủ yếu từ mảng tự doanh (17,6 tỷ đồng); hoạt động môi giới hơn 1,2 tỷ đồng (gần gấp đôi cùng kỳ). Tuy vậy, chi phí hoạt động lên đến 22,1 tỷ đồng (gấp 5 lần so với cùng kỳ). Chi phí DVSC tăng chủ yếu bởi hoạt động đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL. Theo đó, khoản chi phí này là 20,2 tỷ đồng, tăng hơn 630%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, DVSC vẫn báo lãi ròng 2,5 tỷ đồng. Tuy vậy, tính tới ngày 30/6/2021, DVSC còn khoản lỗ lũy kế lên đến gần 34,2 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DSC). Quý II/2021, công ty lỗ 1,7 tỷ đồng. Tương tự DVSC, doanh thu hoạt động DSC đạt gần 2 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng với việc các chi phí tăng mạnh, công ty báo lỗ sau thuế 1,7 tỷ đồng, và lỗ 1,9 tỷ đồng nửa đầu năm. Thực trạng chi phí tăng mạnh hơn tốc độ tăng doanh thu cũng khiến nhiều công ty chứng khoán khác lỗ trong quý II/2021, 6 tháng đầu năm 2021 như: CTCP Chứng khoán EuroCapital (-1,1 tỷ đồng; -2,2 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Việt (-259 triệu đồng; 428 triệu đồng), CTCP Chứng khoán Globalmind Capital (-1,4 tỷ đồng; -2,5 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (-1,4 tỷ đồng; -1,8 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Việt Thành (-1,1 tỷ đồng; -2,2 tỷ đồng) và CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya (-538 triệu đồng; -2,5 tỷ đồng).
Đặc biệt, kinh doanh thua lỗ đã đẩy lỗ luỹ kế các các doanh nghiệp này tiếp tục tăng lên. Đáng chú ý nhất là trường hợp Chứng khoán SaigonBank Berjaya. Tới cuối quý 2/2021, lỗ luỹ kế lên đến 251,3 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 52,2 tỷ đồng. Ngoài Chứng khoán SaigonBank Berjaya, một số đơn vị khác cũng lỗ luỹ kế lớn là VICS (-170,5 tỷ đồng); ECC (-63,5 tỷ đồng); GMC (-26,5 tỷ đồng).
PV