Chênh lệch giữa tốc độ huy động vốn và cho vay đang gia tăng. Điều này được cho sẽ gây ra áp lực khiến lãi suất đầu vào tăng, kéo lãi vay lên theo. Tuy nhiên, chuyện không hẳn như vậy.
Huy động tăng chậm hơn cho vay
Theo báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Cụ thể, tại Techcombank, đến cuối tháng 9, tín dụng tăng trưởng 17,4% so với đầu năm, lên 622.100 tỷ đồng nhưng tiền gửi của khách hàng chỉ đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 8,9%. Tại MB, đến cuối quý III, cho vay khách hàng tăng trưởng 14,9%, lên 702.020 tỷ đồng, còn tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 10,6%, đạt 627.567 tỷ đồng.
Tại ACB, tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 555.000 tỷ đồng, tăng 13,8%, trong khi huy động vốn đạt 512.000 tỷ đồng, tăng 6,1%. Với VPBank, dư nợ cho vay đến cuối quý III lên mức 635.344 tỷ đồng, tăng 12,19% so với đầu năm nhưng tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 7,55%, đạt 475.782 tỷ đồng.
Tại HDBank, tín dụng đến cuối quý III ở mức 398.700 tỷ đồng, tăng 16,1%, còn tiền gửi khách hàng chỉ đạt 398.000 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm. Còn với Eximbank, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 159.483 tỷ đồng, tăng 13,55% nhưng huy động vốn chỉ tăng 6,99%, đạt 167.603 tỷ đồng…
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến ngày 27/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% so với đầu năm trong khi tín dụng tăng 8,53%. Ước tính, trong 9 tháng, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế thêm gần 1,16 triệu tỷ đồng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, cho biết đến 30/9/2024, tổng số vốn huy động của hệ thống ngân hàng đạt 14,5 triệu tỷ đồng còn dư nợ cho vay là 14,7 triệu tỷ đồng. Ông Tú cũng khẳng định “không có chuyện 14 – 15 triệu tỷ đồng nằm tại ngân hàng”, bởi hiện tín dụng toàn hệ thống đã cao hơn huy động vốn… Các ngân hàng thương mại đang dùng vốn điều lệ để cho vay, bù đắp phần thiếu hụt do huy động thấp hơn tín dụng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), tốc độ huy động tăng thấp so với tín dụng là do người dân có xu hướng rút tiền gửi đi mua vàng, bất động sản và các kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao hơn khi nền lãi suất tiền gửi thấp. Tăng trưởng huy động dịp cuối năm sẽ tích cực hơn, khi nền lãi suất đang tăng dần trở lại, thị trường vàng bị siết chặt, thị trường bất động sản đang ở trong giai đoạn quan sát do luật vừa có hiệu lực đi kèm với việc thị trường chứng khoán ảm đạm.
Thực tế, lãi suất huy động có xu hướng đi lên từ đầu quý II sau một thời gian dài chạm đáy. Liên tiếp hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động, thậm chí có ngân hàng còn tăng 2-4 lần trong một tháng. Như trong tháng 6, có hơn 20 ngân hàng điều chỉnh lãi suất và hơn một nửa trong số đó tăng lãi suất 2 lần trong tháng. Nhưng kể từ tháng 9, đà tăng có dấu hiệu chững lại khi chỉ còn 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Trong tháng 10, có 9 ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Hiện tại lãi suất huy động của các ngân hàng tư nhân niêm yết phổ biến ở mức 5% -5,8%/năm cho kỳ hạn gửi 12 tháng. Còn kỳ hạn 6 – 9 tháng, lãi suất tiền gửi dao động 4,5% – 4,8%/năm.
Áp lực dồn lên lãi vay
Còn chưa tới 2 tháng nữa là kết thúc năm 2024, các ngân hàng đang tăng cường huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Theo thông lệ, cầu huy động vốn thường tăng mạnh vào cuối năm khi doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có lãi suất hấp dẫn để thu hút vốn. Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất huy động.
Trong những ngày đầu tháng 11, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1% – 0,6%. Ví dụ tại PvCombank, lãi suất huy động kỳ hạn 12 và 13 tháng lên tới 9,5%/năm cho số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Hay HDBank đưa ra mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 300 tỷ đồng…
Lãi suất huy động tăng dẫn đến chi phí vốn của các nhà băng cũng đi lên. Điều này khiến các doanh nghiệp lo lắng lãi vay sẽ bị kéo lên theo.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất tiết kiệm trên mức 7%/năm chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng, ở một số kỳ hạn dài như 12 tháng và 13 tháng, đồng thời số tiền gửi cũng ở mức rất cao, từ vài trăm tỷ đồng đến vài nghìn tỷ đồng. Đây là các điều kiện không dễ đáp ứng nên mức độ tác động không lớn đến mặt bằng chung. Chưa kể, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đạt được mức tăng trưởng 15%, lãi suất cho vay phải được duy trì ở mức ổn định nhằm hỗ trợ kinh tế. Thế nên lãi vay cũng khó tăng mạnh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM, đánh giá do nhu cầu tín dụng còn yếu, lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp nên lãi suất cho vay tăng sẽ khiến ngân hàng khó cho vay. Vì thế, dù lãi suất huy động có tăng thì đa số ngân hàng sẽ không tăng lãi suất cho vay trong suốt phần còn lại của năm 2024.
Ở khía cạnh ngược lại, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giảm lãi vay hiện nay là rất khó do tỷ lệ nợ xấu vẫn đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, làm tăng thêm chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng. Thêm nữa, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu trong thời gian qua, cộng với nhu cầu vốn tín dụng tiếp tục tăng nên khó có thể giảm thêm trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất gửi đến Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận lãi suất cho vay khó giảm thêm bởi “lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023)”.
Một yếu tố khác là nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tăng, gây áp lực đối với mặt bằng lãi suất, khiến việc tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới rất khó khăn. Đó là chưa kể sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất tiền đồng càng gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7% – 9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4%/năm.
Để cải thiện mặt bằng lãi suất, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần có các giải pháp chính sách tài khóa như phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp. Lãi suất trái phiếu chính phủ giảm có thể kéo theo chi phí huy động vốn cho ngân hàng giảm, từ đó giúp các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.