Sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch, những lỗ hổng, các vấn đề chưa được hoàn thiện trên thị trường chứng khoán bộc lộ. Không còn tiền rẻ khiến thị trường chứng khoán lao dốc…
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng chưa chạm đáy, Chỉ số VN-Index có thể quay ngược dòng, chạm đáy ở mức 1.100 điểm trong 6 tháng cuối năm 2022.
“Tôi cho rằng, đây là lúc nhà đầu tư nên chọn “ngủ yên” với chiến lược đầu tư mang tính bảo thủ, phòng vệ hơn là tìm lợi nhuận cao với rủi ro. Nhà đầu tư cần đi tìm mã cổ phiếu ổn định, lịch sử giao dịch lâu năm và của doanh nghiệp lớn, có uy tín, tài chính ổn định”, ông Hiếu đưa ra lời khuyên.
Bà Tạ Thanh Bình – Vụ phát triển thị trường (Ủy ban chứng khoán Nhà nước) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng bởi cân đối vĩ mô ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Hết quý 1/2022, 86% công ty niêm yết có lãi, cao hơn cùng kỳ 2021. Tổng lợi nhuận của doanh nghiệp của DN sau thuế tăng 33,7% so với 2021.
“Diễn biến của thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2022 sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng địa chính trị, nguy cơ lạm phát. Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, cơ quan quản lý UBCKNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển bền vững. Điểm nhất trong chiến lược phát triển thị trường là phát triển bền vững thông qua nâng cao chất lượng hàng hóa giao dịch, siết chặt giám sát nhằm phát hiện sớm, xử lý hành vi vi phạm”, bà Bình khẳng định.
Đi cùng với hướng phục hồi của điểm số, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Những diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường.
Thanh khoản thị trường trong thời gian tới dự kiến duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố như lạm phát và lãi suất tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng tăng lãi suất thêm 3 – 4 lần trong năm nay lên mức 2,25%/năm…, tạo áp lực bán lên các tài sản có rủi ro cao như cổ phiếu.
Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM, một nguyên nhân cơ bản dẫn đến thanh khoản của thị trường sụt giảm là do nhiều nhà đầu tư thua lỗ và giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy giao dịch ký quỹ (margin).
Trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn về dòng tiền và xu hướng giảm điểm của chỉ số chưa có dấu hiệu kết thúc, việc bảo toàn tài sản trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, hoạt động giao dịch ngắn hạn hay trung và dài hạn tùy thuộc vào chiến lược của từng nhà đầu tư và từng loại cổ phiếu, nhưng đều đòi hỏi sự phân bổ nguồn vốn hợp lý, đặc biệt là hạn chế sử dụng margin.
Dù thị trường đi ngang và rung lắc mạnh nhiều phiên, nhưng vẫn có những nhóm cổ phiếu tăng giá, tạo cơ hội lướt sóng ngắn hạn. Với tầm nhìn dài hạn hơn, có những dòng cổ phiếu thích hợp để nắm giữ từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, việc giải ngân nên được thực hiện từng phần, tận dụng các nhịp giảm điểm để tích lũy dần.
Dòng tiền đang hướng đến những nhóm ngành có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II/2022, cũng như có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán nhìn chung đối mặt với giai đoạn khó khăn. Vì thế, nhà đầu tư nên tập trung vào việc quản lý danh mục, tỷ trọng cổ phiếu duy trì ở mức vừa phải và ưu tiên cho các vị thế dài hạn hơn là ngắn hạn.
Tổng Hợp