Năm 2021 vẫn là năm của sự chủ động, linh hoạt thích ứng với một tầm nhìn dài hạn và chuyên tâm hơn trong việc phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp bất động sản.
Thực tế chứng minh trong thời gian thị trường đóng băng vẫn có những phân khúc giao dịch tốt, một ví dụ điển hình là một dự án giá rẻ tại Hà Nội đã bán rất chạy vào thời kỳ thị trường khó khăn những năm 2009 – 2013. Như vậy, dù tình hình thị trường như thế nào thì việc tìm đúng thị trường ngách và giao dịch có chủ đích rõ ràng của nhà đầu tư vẫn có thể mang lại quả ngọt trái mùa.
Tiếp đến là động thái chuyển dịch dòng tiền sang bất động sản khi các kênh đầu tư chứng khoán, vàng, trái phiếu không còn là lựa chọn an toàn. Cùng đó là những tín hiệu sáng kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh từ 0,4% trong quý II/2020 lên 2,6% trong quý III. Dự báo tăng trưởng cho năm 2020 được điều chỉnh tăng từ 1,8% lên 2,3% và kỳ vọng GDP đạt tăng trưởng 7,1% trong năm 2021… Tất cả tạo ra tác động tích cực cũng như những kịch bản lạc quan cho nhà đầu tư trong năm 2021.
Việc dự báo chính xác trung, dài hạn với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng là nhiệm vụ bất khả thi tuy nhiên với những tín hiệu sáng từ kinh tế Việt Nam, niềm tin vào Chính phủ, chúng ta hoàn toàn tin tưởng giai đoạn 2021 – 2030 là một thập kỷ bùng nổ của bất động sản.
Trầm lắng trong năm
Dù COVID-19 có xuất hiện hay không thì bất động sản vẫn sẽ phải trải qua một khoảng lặng nhất định trong năm 2020. Tuy nhiên dịch bệnh làm mức độ ảnh hưởng của thị trường sâu hơn, khiến khoảng lặng này kéo dài và trầm trọng.
Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường chỉ rõ, nếu quan sát đà tăng giá của thị trường trong 1 thập niên qua, đồ thị giá đất chia thành nhiều đợt biến động. Giá nhà đất đi ngang vào giai đoạn 2008 – 2010. Bước sang 2011 – 2013, giá bất động sản xuống dốc không phanh, nhiều nhất là gần 50%, đến thời điểm 2014 – 2019 thì quay lại xu hướng tăng mạnh từ 50 – 300%. Tính đến hiện tại, giá nhà đất ở nơi tăng thấp nhất trung bình cũng gấp 3 lần so với năm 2011.
Sự suy giảm của thị trường bất động sản năm 2020 được nhìn nhận là có tính chu kỳ và khó tránh. Nhìn lại giai đoạn khủng hoảng từ 2011 – 2013, doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm kiếm sự hồi phục sau khi bong bóng bất động sản đổ bể vào năm 2009 – 2010. Thời điểm này thị trường gần như đóng băng, ngân hàng siết chặt nguồn vốn và tiêu chuẩn tín dụng cho vay bất động sản, coi bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất. Đây là giai đoạn mà cả giá nhà và giao dịch đều suy giảm rất mạnh.
Đến thời kỳ 2014 – 2018, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng phù hợp để kiểm soát và tạo điều kiện cho thị trường “ấm dần”, giao dịch bất động sản tăng mạnh, nguồn cung bùng nổ. Dòng tiền vào bất động sản dồi dào hơn, dần ra khỏi các đô thị lớn, hướng về loạt thị trường mới có vị trí địa lý và thiên nhiên ưu đãi như Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh…
Trong giai đoạn 2017 – 2018 nhà đất phát triển quá nóng vì vậy thị trường cần một khoảng lặng để nghỉ ngơi và điều tiết để tránh phát sinh những đợt khủng hoảng mới.
Từ cuối 2019 đến 2020 là điểm cuối chu kỳ, thị trường rơi vào trầm lắng. Sự mất cân đối cung cầu và room tín dụng cho bất động sản bị siết chặt khiến nhà đất chững lại. Đầu 2020, sự tàn phá của đại dịch COVID-19 gần như đẩy thị trường rơi vào đáy của chu kỳ phát triển.