Hé lộ lượng tiền dự báo đổ vào bất động sản từ dòng vốn vừa được nới room. Khoảng 40.000 tỷ đồng sẽ chảy vào bất động sản…
Trên thực tế thị trường bất động sản hiện đối mặt với 3 vấn đề vô cùng thách thức. Thứ nhất, thị trường đang điều chỉnh rất mạnh sau hơn 2 năm tăng trưởng tương đối nóng. Thứ hai là câu chuyện về pháp lý vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Thứ ba liên quan đến vốn.
Động thái nới room của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là tín hiệu cực vui, tin tốt cho thị trường bất động sản khi nhiều nhà đầu tư có nhu cầu vốn giải ngân giai đoạn này.
Tuy nhiên, không ít người lo ngại dòng vốn sẽ chảy vào phân khúc đầu cơ thay vì đi vào nhu cầu thực. Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, có 3 lý do khiến dòng vốn sẽ chảy đến đúng với người có nhu cầu ở thực.
Đầu tiên là các hồ sơ đang chờ giải ngân đã được các ngân hàng rà soát rất kỹ trong thời gian vừa qua. Những hồ sơ này phải đảm bảo điều kiện tốt về pháp lý và có nhu cầu thực. Ngoài ra thời điểm hiện tại việc cho vay đầu cơ đều gây rủi ro cho cả người đi vay và người vay trong bối cảnh tương lai bất định, lãi suất cao.
Thứ hai là bài học kinh nghiệm của cả hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp tích lũy được thời gian qua. Họ biết giải ngân biết như nào để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba là những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực người dân mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống.
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm nay, với mức tăng 1,5-2%, tương đương 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế.
Trong một chương trình mới đây của VTV, tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định, dòng vốn này sẽ nhanh chóng vào cuộc sống, đi vào sản xuất kinh doanh bởi hiện nay đa số hồ sơ chờ giải ngân mang tính cấp bách tại ngân hàng đã có sẵn.
Chuyên gia này cho biết không nên quá lo ngại dòng vốn sẽ đi vào những kênh đầu cơ, đầu tư có tính chất rủi ro cao.
Để tính toán lượng vốn sẽ được dành cho bất động sản, ông giả định lượng tỷ lệ vốn tín dụng bình quân dành khoảng 20% cho thị trường bất động sản, trong đó 67% cho vay mua nhà, 33% liên quan đến đầu tư, dựa trên các số liệu báo cáo trước đây.
“Nếu theo số liệu trên thì sẽ có 40.000 tỷ đồng trong khoảng 200.000 tỷ đồng (con số này chênh lệch so với công bố của Ngân hàng Nhà nước – PV) có thể dành cho thị trường bất động sản. Con số bình quân sơ bộ là như thế. Đây là lượng tiền rất lớn. Còn nhớ năm 2013 chúng ta có gói giải cứu bất động chỉ 30.000 tỷ đồng nhưng thị trường đã bứt phá”, ông Lực phân tích.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lượng cung và giao dịch bất động sản (BĐS) nhà ở tại các dự án 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 22.700 sản phẩm, giao dịch đạt xấp xỉ 11.500 sản phẩm. Giá BĐS liên tục tăng, dòng tiền đổ mạnh vào các sản phẩm BĐS “trú ẩn và đầu cơ”, nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Trong 6 tháng cuối năm, thị trường BĐS đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp.
Đặc biệt, dòng vốn chảy vào lĩnh vực BĐS từ đầu năm 2022 tới nay rất hạn chế, khi cả tín dụng ngân hàng lẫn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều được kiểm soát chặt chẽ. Kênh huy động từ người mua nhà và các quỹ đầu tư cũng gặp khó khăn… Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
Tuy nhiên, đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư BĐS sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2022, nhờ một loạt điều chỉnh chính sách quản lý Nhà nước có liên quan, nổi bật là: Cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ; bổ sung nhiều đề án kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cả từ trung ương, các địa phương và doanh nghiệp.
Để phát huy vai trò rất quan trọng của thị trường BĐS trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẳy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan quản lý: Một mặt, tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, chú ý các hành vi trốn thuế trong kinh doanh BĐS, kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS trên thị trường chứng khoán, tránh đầu cơ, thao túng;
Mặt khác, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự, không để đổ vỡ và phải bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; không điều hành chính sách “giật cục”, không chuyển trạng thái đột ngột từ “nới lỏng” sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại… Các cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh…) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Tạp Chí Ngân Hàng)