Thời gian qua, giá bất động sản (BĐS) trên cả nước liên tục tăng bất chấp thị trường chững lại, nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều ý kiến lo ngại kịch bản bong bóng BĐS đã từng xảy ra cách đây 10 năm có nguy cơ tái diễn, nhất là ở những khu vực sốt giá ảo.
BĐS TP.HCM có cơ hội phục hồi, tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong năm 2021 và cả trong trung hạn, dài hạn. Những động lực mới như thành lập TP Thủ Đức, một số công trình giao thông sẽ đưa vào sử dụng, đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dự án sân bay Long Thành và nhiều dự án kết nối giao thông liên vùng, đường vành đai sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và thị trường BĐS.
Động lực sẽ tác động tích cực lên thị trường TP.HCM trong năm mới còn có đề án chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Chính phủ đã quyết định cho TP.HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020. Thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp.
Nhu cầu bất động sản tuy giảm nhưng lại thu hút đầu tư ngoài ngành hướng vào thị trường bất động sản, làm tăng lên khoảng 30% lực cầu đầu tư mới cho thị trường.
Dự báo về năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho rằng, một số ngành kinh tế khác sẽ hồi phục. Giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với 2020. Tại TPHCM vẫn có chiều hướng tăng. Chủ yếu là khu vực thành phố Thủ Đức.
Về cuối năm 2021, có thể nguồn cung tăng mạnh, một số nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường, giá có thể sẽ chững lại nhưng trong năm 2021 sẽ chưa xuất hiện giảm giá. Tuy nhiên, những dự án mới ra giai đoạn cuối năm sẽ xây dựng giá bán phù hợp hơn.
Giá nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại Hà Nội và TPHCM sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021. Dự báo tăng khoảng 5 – 10% so với năm 2020. Tại các tỉnh thành khác cơ bản đều có mức tăng giá bất động sản ở mức 5-7% so với 2020. Một số địa phương có thể tăng mạnh hơn, đạt trên 10% như: Bắc Ninh, Bắc Giang Đồng Nai, Bình Dương…
Một số địa phương đã phát triển nóng thị trường bất động sản bị ngưng trệ thời gian qua như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc… sẽ sôi động trở lại. Đất đai gần các khu công nghiệp sẽ biến động tăng mạnh. Các địa phương cần có chính sách để quản lý và ổn định thị trường.
Những địa phương giáp ranh với TP.HCM cũng có làn sóng giao dịch sôi động, kèm với đó là giá BĐS cũng tăng theo. Giá đất tại khu vực Long Thành hồi năm 2019 dao động 12-14 triệu đồng/m2, sang năm 2020 đã lên 22 triệu đồng/m2.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết giá nhà vẫn tăng nóng trong năm 2020. Ví dụ, giá căn hộ tại khu vực trung tâm của TP, kể cả khu đô thị Thủ Thiêm tương đương 5.000-7.000 USD/m2. Tại khu vực quận 9, giá căn hộ trên dưới 2.000 USD/m2 tùy vị trí và đẳng cấp của dự án. Từ cuối năm 2020 đến thời điểm TP Thủ Đức chính thức được công bố, giá BĐS khu vực này cũng tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Mức giá căn hộ 60-90 triệu đồng/m2 có thể nói là chưa từng có từ trước tới nay ở địa bàn này.
Hội Môi giới bất động sản cũng cho rằng, nguồn cung bất động sản sẽ được tăng dần, bổ sung vào thị trường trong một vài năm tới. Năm 2021, nhu cầu thật về phân khúc căn hộ tại Hà Nội và TPHCM vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Phân khúc căn hộ trung cấp loại 2 phòng ngủ tiếp tục được giao dịch nhiều.
Lượng giao dịch căn hộ thành công vào năm 2021 ước đạt từ 90.000 đến 100.000 căn tại TPHCM và Hà Nội.
Với nhu cầu đầu tư, đất nền vẫn là sản phẩm được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, sản phẩm này sẽ khan hiếm dần vì các địa phương cũng hạn chế cho phát triển dự án đất nền, chỉ còn chủ yếu ở những dự án đấu giá. Nhà ở xã hội vẫn có nhu cầu rất lớn, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp.