Bất cập khi cơ chế chính sách cho ngân hàng mới chỉ dừng ở việc cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí… còn quy trình nghiệp vụ phải xử lý theo quy phạm pháp luật hiện hành, không sửa đổi trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trong thời gian giãn cách nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với ngân hàng để làm các thủ tục theo quy định, dẫn đến các TCTD xử lý theo thực tế phát sinh nên rất dễ chịu rủi ro pháp lý sau này vì không có văn bản quy định của NHNN.
Công tác xử lý nợ xấu của các TCTD trong 8 tháng đầu năm 2021, đặc biệt trong quý II và quý III cũng bị đình trệ, ảnh hưởng đến công tác khởi kiện khách hàng, thu giữ, phát mại, đấu giá tài sản đảm bảo của ngân hàng. Thêm vào đó, dịch bệnh còn gây ra những khó khăn về kinh tế cũng khiến tình trạng gian lận và lừa đảo có xu hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp.
Nhiều TCTD đã ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng bị kẻ gian lừa đảo, giả mạo email, tin nhắn thương hiệu của ngân hàng, dẫn đến mất tiền trong tài khoản, thẻ và cả những trường hợp kẻ gian giả mạo giấy tờ tinh vi để mở thẻ, mở tài khoản gây rủi ro cho ngân hàng… VNBA cho rằng các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành để có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
VNBA kiến nghị đến Chính phủ xem xét kiến nghị Quốc hội cho phép ban hành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD, làm cơ sở đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu. Đồng thời chỉ đạo các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng theo hướng tăng tính tự chủ cho các TCTD; thống nhất, đồng bộ cơ chế pháp lý giúp các TCTD cho vay an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng…
Bên cạnh đó, xem xét ban hành Nghị định về khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tương tự như Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ. Có như vậy mới hỗ trợ được doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng sau khi kiểm soát được dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Hiệp hội cũng có các kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, khung pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ; tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai,…
Áp lực trả nợ lên các doanh nghiệp là rất lớn do khả năng phục hồi của các doanh nghiệp sau khi kiểm soát được dịch bệnh sẽ rất chậm. Doanh nghiệp khó có khả năng trả nợ đúng hạn nhất là các khoản dư nợ trung dài hạn. Do vậy, các quy định tại Thông tư 14 sẽ không đảm bảo, dẫn đến nợ xấu tại các TCTD sẽ tăng vào cuối năm hoặc sau ngày 30/6/2022.
Bản chất các doanh nghiệp này đã được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi theo quy định, nhưng thực chất khoản nợ đó là nợ tiềm ẩn rủi ro nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ. Do đó, các ngân hàng sẽ rất thận trọng khi xem xét cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh trên nền tảng nợ tiềm ẩn rủi ro. Trong thời gian dài các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất, nguồn thu của doanh nghiệp đương nhiên sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu. Trong khi đó, các chi phí khác tối thiểu để duy trì doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra.
Điều này dẫn đến nguồn lực cạn kiệt, khó đáp ứng được điều kiện cho vay mà các tổ chức tín dụng (TCTD) đưa ra như kinh doanh có lãi, có tài sản đảm bảo… Như vậy, doanh nghiệp sẽ rất khó vay vốn ngân hàng để phục hồi sản xuất kinh doanh. Xét về các nguyên tắc điều kiện cho vay mới khách hàng để phục hồi sản xuất kinh doanh, các TCTD vẫn phải tuân thủ theo quy định hiện hành (không có đặc thù). Nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp… Bên cạnh đó, áp lực trích dự phòng rủi ro của các TCTD đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng là rất lớn. Ngay trong năm nay phải trích tối thiểu 30% và trích hết 100% vào cuối năm 2023 dẫn đến nhiều TCTD giảm lợi nhuận đáng kể.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)