Cơ hội xuất khẩu sản phẩm khẩu trang y tế, đồ bảo hộ sang các thị trường đang thiếu trang thiết bị phòng dịch Covid-19 như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản được cho là rất lớn. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp sản xuất nắm bắt cơ hội từ nhu cầu gia tăng ở nước ngoài, thậm chí một số doanh nghiệp không mấy quan tâm.
Gian nan hành trình đưa khẩu trang vải đến Mỹ và châu Âu
Trong thời gian qua, các nhà sản xuất khẩu trang y tế đã đẩy mạnh công suất để đáp ứng nguồn cung tăng vọt trên thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thời gian gầy đây, thông tin về một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc xuất khẩu xoay xở chuyển hướng sản xuất khẩu trang để bù đắp phần nào đơn hàng dệt may bị đình trệ cũng như tạo việc làm cho người lao động thu hút sự chú ý của nhiều người và giới truyền thông.
“Ngoại đạo” khó sản xuất khẩu trang y tế
Số liệu của Bộ Y tế cho thấy hiện có hàng chục doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, quần áo phòng hộ chống dịch. Một số doanh nghiệp dệt may cũng bắt đầu chuyển hướng nhập dây chuyền sản xuất các mặt hàng này.
Đáng chú ý, thông tin về việc Tổng công ty May 10 có đối tác lớn nước ngoài đặt mua 400 triệu chiếc khẩu trang y tế với giá trị 52 triệu đô la Mỹ khiến không ít doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành ngưỡng mộ. Hay TNG cũng dự định sản xuất sản phẩm này từ trung tuần tháng 5,…
Tuy nhiên, đó chỉ là thông tin bề nổi, tình hình thị trường không đơn giản và theo các doanh nghiệp không dễ để xoay xở chuyển hướng sản xuất kinh doanh sang nhóm mặt hàng khẩu trang y tế, dù nhu cầu sản phẩm này ở thị trường trong nước và trên thế giới hiện rất lớn.
Trên thực tế người dân ở châu Âu chỉ sử dụng khẩu trang y tế, không có thói quen sử dụng khẩu trang vải giặt đi giặt lại nhiều lần để tái sử dụng. Một trường hợp dẫn chứng là Tổng công ty 28 chỉ xem việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để tạo việc làm cho người lao động trong một khoảng thời gian nhất định, khi đơn hàng dệt may ở các thị trường Mỹ và EU bị gián đoạn do dịch Covid-19. Doanh nghiệp may mặc này không có kế hoạch chuyển hướng sản xuất sang khẩu trang y tế mặc dù thị trường cho mặt hàng này ở Mỹ và EU đang rất lớn.
Theo Tổng công ty 28, quy trình sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và khẩu trang y tế không giống nhau. Nếu muốn tham gia sản xuất khẩu trang y tế, doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may sẽ phải đầu tư thêm máy móc công nghệ để sản xuất khẩu trang y tế.
Điều này không hề đơn giản vì mặt hàng khẩu trang hiện nay chỉ kinh doanh mang tính thời vụ trong khi chưa biết dịch Covid-19 kéo dài đến khi nào tại các thị trường nhập khẩu. Do đó, lúc này để đầu tư máy móc sản xuất khẩu trang y tế phục vụ thị trường hiện nay theo doanh nghiệp này là không khả thi.
Mặt khác, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 28, cho rằng việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn hiện nay chỉ là công việc “tình thế”, doanh nghiệp không kỳ vọng vào việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm này lâu dài.
Tương tự, lãnh đạo Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) tuần rồi đã cho xuất khẩu những lô hàng khẩu trang vải kháng khuẩn đầu tiên tới thị trường Mỹ và một số nước tại châu Â, nhưng công ty không có kế hoạch tham gia sản xuất khẩu trang y tế dù biết rằng nhu cầu cho mặt hàng này đang rất lớn.
Bên cạnh phải đầu tư máy móc mới, nguyên phụ liệu sản xuất cũng khác khẩu trang vải, theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vitajean, sản phẩm khẩu trang chỉ là giải pháp tình thế cho đơn hàng may mặc đã giảm đến 90% khi các đối tác từ Mỹ, EU tạm ngừng.
“Mục đích chính yếu của việc xoay xở này là có được việc làm cho công nhân, qua đó giữ được công nhân có tay nghề để phục hồi sản xuất sau dịch. Về lâu dài chúng tôi không có ý định kinh doanh mặt hàng khẩu trang”, ông Việt chia sẻ.
Phần lớn các doanh nghiệp may mặc tham gia sản xuất sản phẩm khẩu trang vải hiện nay đều cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế khi hàng may mặc xuất khẩu bị chựng lại, chứ không có ý định làm lâu dài, nên không có kế hoạch đầu tư sản xuất khẩu trang y tế.
Đó là chưa kể yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật với khẩu trang y tế của các nước này khá cao. Điều này cũng trở ngại khiến các doanh nghiệp may mặc không nghĩ đến việc tham gia sản xuất.
Mặt khác, khẩu trang y tế cũng là nhóm mặt hàng bị khống chế tỉ lệ xuất khẩu, nên càng khiến các doanh nghiệp may mặc không mấy mặn mà để rót vốn đầu tư.
Doanh nghiệp trong ngành vất vả đáp ứng nhu cầu
Theo thông báo 155/TB-VPCP ngày 15-4-2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia liên quan đến việc xuất khẩu khẩu trang y tế.
Công ty TNHH Kim Sora, một doanh nghiệp chuyên sản xuất gia công hàng may mặc và khẩu trang y tế xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện tăng ca sản xuất để tăng số lượng khẩu trang, kịp thời phân phối khoảng 15.000 khẩu trang/ngày, bắt đầu từ ngày 7-2. Ảnh: TTXVN |
Thông báo nói trên cho biết Thủ tướng Chính phủ đồng ý xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước (kể cả dự trữ) và chỉ xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.
Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xử lý nhanh việc này, không để lỡ thời cơ. Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28-02-2020 của Chính phủ để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nêu trên.
Theo Nghị quyết 20 về chế độ cấp giấy phép xuất khẩu với mặt hàng khẩu trang y tế phòng, chống Covid-19, khẩu trang y tế, đồ phòng hộ bị khống chế tỷ lệ xuất khẩu 25%. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định này, tạo điều kiện cho xuất khẩu các mặt hàng trên.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xử lý nhanh việc này “không để lỡ thời cơ” khi nhu cầu khẩu trang y tế, các thiết bị phòng dịch tại một số quốc gia, khu vực rất lớn.
Như vậy cơ hội xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế đối với các doanh nghiệp sắp tới là có. Tuy nhiên, ngay cả một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất khẩu trang y tế cho rằng dù nhu cầu thị trường thế giới hiện rất lớn nhưng họ cũng không có kế hoạch đầu tư nâng công suất sản xuất.
Theo thông tin từ Công ty Mebiphar thì nhu cầu tại thị trường trong nước về khẩu trang y tế còn rất lớn và các doanh nghiệp sản xuất để đáp ứng được nguồn cung nội địa thôi cũng khá vất vả. Hiện tại, Mebiphar đã cho chạy hết công suất dây chuyền sản xuất nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết các đơn đặt hàng. Tự nhận xét là một doanh nghiệp có quy mô sản xuất còn nhỏ nên ban điều hành công ty cũng chưa có kế hoạch xuất khẩu mặt hàng này đi thị trường châu Âu và Mỹ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế khác tại TPHCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng ông khá bận rộn và mệt mỏi khi liên tục nhận điện thoại của khách hàng về khả năng cung ứng khẩu trang y tế. Theo vị giám đốc doanh nghiệp này cho biết gần đây công ty có nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế thông qua việc mua lại nguồn nguyên liệu từ một đơn vị trong nước. Nguồn nguyên liệu này được nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần như 100% sản phẩm khẩu trang y tế của công ty sản xuất chỉ đủ cung cấp cho các bệnh viện và trung tâm phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TPHCM chứ không bán ra thị trường vì số lượng không nhiều. Do đó, công ty không có kế hoạch xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp may mặc có sản xuất khẩu trang vải nhưng không có kế hoạch sản xuất khẩu trang y tế. Ảnh minh họa: công ty Trung Quy |
Những thách thức không dễ vượt qua
Một trong những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong ngành này đó là nguyên liệu sản xuất loại khẩu trang y tế lâu nay chủ yếu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, trong nước chưa chủ động được.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp hiện do phía Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang cung cấp cho nội địa và xuất khẩu, nên khó khăn nhập khẩu nguyên liệu này.
Mặt khác, dù sản phẩm khẩu trang y tế sản xuất trong nước được cơ quan quản lý ngành chấp nhận về tiêu chuẩn chất lượng nhưng chưa hẳn các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu,… chấp nhận.
Bởi lẽ, sản phẩm khẩu trang y tế muốn vào thị trường châu Âu phải đạt chứng nhận CE, hoặc thị trường Mỹ thì phải đăng ký FDA,… Điều này càng khiến doanh nghiệp, nhất là đối với các nhà sản xuất có quy mô nhỏ thêm nản lòng để quyết định mở rộng đầu tư nâng công suất tham gia thị trường xuất khẩu.
Mặc dù vậy cũng có một số doanh nghiệp lại đang trông chờ vào cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ. Đó là trường hợp của Công ty TNHH Vật tư y tế Sen Việt có nhà máy sản xuất ở tỉnh Bình Dương.
Theo ông Nguyễn Vũ Thành, Giám đốc công ty trong thời gian dịch bệnh Covid-19, sản phẩm khẩu trang y tế của công ty theo tiêu chuẩn CE của EU và FDA của Mỹ, nhưng đến nay Sen Việt chỉ cung ứng sản phẩm y tế cho thị trường trong nước.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng khi doanh nghiệp đã bảo đảm đủ cung ứng cho nhu cầu sử dụng trong nước thì doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ về mặt chính sách sao cho có thể được xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài một cách nhanh nhất có thể.
Lý do, khẩu trang là mặt hàng mang tính cấp thiết, nếu không tận dụng thời điểm này để xuất khẩu nhanh, cơ hội cho các doanh nghiệp sẽ bị vuột mất.
Theo các nhà sản xuất, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chỉ có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này.
Cũng theo các doanh nghiệp trong ngành vật tư y tế, từ các dữ liệu mà họ ghi nhận, năng lực sản xuất khẩu trang (nhiều loại sản phẩm với các phân khúc chất lượng khác nhau) đang dư thừa khá nhiều so với nhu cầu nội địa.