Những tác động, hiệu ứng rất tích cực từ hàng loạt tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác như Hà Nội – Hải Phòng, Vân Đồn – Hạ Long; Bắc Giang – Lạng Sơn; TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây… tới hoạt động kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư của các địa phương dọc các tuyến cao tốc đã khẳng định việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược, có vai trò đi trước mở đường là hoàn toàn chính xác.
Quyết tâm của Bộ GTVT là rất lớn khi bộ này xác định trong trường hợp không thể gọi vốn tư nhân, sẽ chấp nhận dùng vốn ngân sách dự kiến bố trí cho kế hoạch 2021 – 2025 để đầu tư dứt điểm, sau đó sẽ tiến hành bán quyền thu phí hoặc tự tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách dự kiến bố trí cho ngành GTVT trong 5 năm tới chỉ khoảng 300.000 tỷ đồng, mới đáp ứng được ¼ nhu cầu, thì đây có thể coi là quyết tâm rất lớn, bởi khi ưu tiên nguồn vốn để tập trung đầu tư cho các dự án động lực, đột phá sẽ không còn khả năng cân đối cho các dự án khác.
Song, để hiện thực hóa khát vọng nối thông cao tốc Bắc – Nam từ Hữu Nghị tới Cà Mau, tạo tiền đề đưa đất nước sở hữu 5.000 km đường cao tốc, trong thời gian tới, việc đặt mục tiêu đột phá, táo bạo, không bình bình hay lựa chọn phương án an toàn là điều cần thiết với ngành GTVT. Bên cạnh đó, để giảm áp lực vốn, ngành GTVT cũng phải tìm những cơ sở khoa học, bài học thực tế có tính thuyết phục cao để tìm được sự ủng hộ của cấp có thẩm quyền về việc cân đối nguồn vốn riêng cho dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc – Nam không nằm trong tổng nguồn vốn phân bổ để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực GTVT trong giai đoạn 2021-2025 (ước khoảng 230.000 tỷ đồng), đi kèm với xử lý dứt điểm các tồn tại tại các dự án BOT giai đoạn trước.
Trong lĩnh vực đường bộ, tính đến hết năm 2020, cả nước mới đưa vào khai thác khoảng 1.163km đường bộ cao tốc so với yêu cầu 2.000 km. Trên trục Bắc – Nam, dù đã ưu tiên dồn nhiều nguồn lực, nhưng hiện ngành GTVT cũng mới chỉ xây dựng, đưa vào khai thác 682 km.
Sự chậm trễ này khiến giao thông vẫn đang “điểm nghẽn” của nền kinh tế, chưa có sự bứt phá đủ lớn, làm thay đổi diện mạo và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông nước nhà.
Ẩn Số từ Nhà Thầu Nhìn từ Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi
Trước đó, tại dự án Phan Thiết – Dầu Giây, Bộ GTVT đã phê duyệt đơn vị trúng thầu là liên danh Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính. Liên danh này sẽ thi công gói thầu số 3-XL (đoạn từ Km 47+672 đến Km 83).
Tại dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, gói thầu XL-01 (từ Km 134 đến Km 154) thuộc về liên danh Tổng công ty Thăng Long – CTCP Đạt Phương – Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập với giá trúng thầu là 1.687,68 tỷ đồng.
Còn dự án Mai Sơn – quốc lộ 45, gói thầu XL-11 (từ Km 289+500 đến Km 301) được trao cho liên danh CTCP Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Tổng Công ty 319 và Công ty TNHH Định An. Giá trúng thầu là 852,357 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.
Đặt cạnh các doanh nghiệp có “profile” khủng và quen mặt như những Vinaconex, Đạt Phương Group, Tổng công ty Thăng Long hay Cường Thịnh Thi thì ba cái tên còn lại, Trung Chính, Tự Lập và Định An vẫn chưa có quá nhiều dữ kiện để đánh giá đầy đủ nhất.
Với Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính (Trung Chính TC), pháp nhân này được thành lập vào năm 2007, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường bộ.
Quá trình phát triển của Trung Chính TC ghi đậm dấu ấn của doanh nhân xứ Nghệ Hồ Sỹ Hoà. Tại ngày 12/7/2018, Trung Chính TC có số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó ông Hoà chiếm 55% và giữ chức Chủ tịch HĐTV, ông Trần Quang Việt nắm giữ 30% và đảm nhiệm “ghế” Tổng giám đốc, trong khi một cá nhân họ Hồ khác là Hồ Văn Hương sở hữu 15% phần vốn còn lại.
Ngoài Trung Chính TC, ông Việt còn là đại diện một loạt công ty khác là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Minh (hiện đã ngừng hoạt động), CTCP Đầu tư Trung Chính-Tây Bắc (vốn điều lệ 150 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Năng lượng Phong Dụ (thành lập vào tháng 6/2020, VĐL 60 tỷ đồng).
Tại dự án Phan Thiết – Dầu Giây, so với đơn vị còn lại trong liên danh là Vinaconex thì Trung Chính TC có phần kém tiếng hơn, song nên biết, đây cũng là đơn vị từng trúng nhiều gói thầu quy mô khủng. Có thể kể đến như gói thầu số 1 của dự án cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh trị giá 495 tỷ đồng. Trung Chính TC cũng góp mặt trong liên danh gồm 3 doanh nghiệp là nhà thầu tại Dự án cầu Hoàng Văn Thụ (TP. Hải Phòng). Đây là dự án trọng điểm ở Hải Phòng, có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó liên danh Cienco1 – Trung Chính – Hồng Hà trúng gói thầu thi công có giá trị 2.285 tỷ đồng, riêng Trung Chính chiếm 40,8% (gần 1.000 tỷ đồng).
liên tục từ năm 2011 đến nay, Trung Chính TC đã nhiều lần đăng ký đảm bảo tài sản tại các nhà băng, lần gần đây nhất là 28/9/2020, doanh nghiệp này đã thế chấp loạt máy móc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – CN Thăng Long.
Trong khi đó, tại dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập (Tự Lập Co., Ltd) được thành lập vào tháng 8/2001, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng. Ở lần thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất (ngày 5/9/2016), vốn điều lệ của Tự Lập ở mức 320 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông cá nhân, trong đó ông Hoàng Ngọc Hải nắm giữ cổ phần chi phối lên đến 98,3%. Bên cạnh Tự Lập, doanh nhân sinh năm 1974 Hoàng Ngọc Hải còn là đại diện pháp luật tại hai doanh nghiệp khác là CTCP Khoáng sản sông Lô Phú Thọ và Công ty TNHH Một Thành Viên Xây dựng Phúc Sơn 7.
Tự Lập là nhà thầu quen mặt tại Phú Thọ với các dự án lớn liên quan đến trạm bơm tiêu, nông nghiệp và thủy lợi trên địa bàn tỉnh này, có thể kể đến như Trạm bơm tiêu Sơn Tình (vốn đầu tư 400 tỷ đồng), dự án Trạm bơm tiêu Dậu Dương (vốn đầu tư 120 tỷ đồng), dự án hồ chứa nước Ngòi Giành (huyện Yên Lập) với tổng mức đầu tư 1.279 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là 759 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương và các nguồn khác, dự án cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu Ngòi Hiêng (tổng mức đầu tư 238 tỷ đồng), trạm xử lý nước thải CCN Bãi Ba, công suất 1.500 m3/ngày đêm,…
Tương tự như Tự Lập Co., Ltd và Trung Chính TC thì tại dự án Mai Sơn – quốc lộ 45, Công ty TNHH Định An cũng có phần kém tiếng hơn so với các doanh nghiệp khác trong cùng liên danh.
Công ty này được thành lập vào tháng 4/2010 hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình. Vào tháng 6/2016, công ty này bất ngờ tăng vốn từ 5,6 tỷ đồng lên mức 818 tỷ đồng, thành phần cổ đông lúc đấy được xác định gồm 3 cá nhân là Cao Đăng Hoạt ( nắm giữ 70% VĐL), Trần Thị Nguyệt Ánh (20%) và Phạm Văn Quý 10 % còn lại. Được biết, doanh nhân Cao Đăng Hoạt từng là thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lai, tuy nhiên chỉ sau 3 tháng đảm nhiệm vai trò này tại QCG, ông Hoạt đã xin từ nhiệm.
Bên cạnh đó, ông Cao Đăng Hoạt còn là cổ đông lớn tại CTCP Đầu tư Thương mại và Du lịch Ruby (VĐL 150 tỷ đồng) và đặc biệt là Công ty cổ phần Tập đoàn Ruby với số vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Ruby được thành lập vào tháng 9/2016 với vốn điều lệ đạt mức 1.987,8 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Định An (nắm giữ 41,15%), Công ty TNHH Nhạc Sơn (15%), Công ty TNHH Dũng Hân (0,091%) và ông Cao Xuân Hoạt (43,66%).
Ngoài ra, vị doanh nhân sinh năm 1978 này cũng nắm giữ 40% cổ phần tại CTCP Quốc tế Nam Hội An- chủ dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh – PPC có quy mô 174,77 ha tại tỉnh Quảng Nam. Dự án dự kiến thực hiện trong 3 giai đoạn, từ quý IV/2017 đến quý IV/2021. Theo đó, quý I/2019, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục khu du lịch vui chơi giải trí; khu phức hợp khách sạn văn phòng cao tầng và khớp nối hạ tầng kỹ thuật giao thông, công viên.
Tuy nhiên, đến nay CTCP Quốc tế Nam Hội An không tiếp tục triển khai dự án theo quyết định chủ trương đầu tư đã cấp. Vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đang thực hiện các trình tự và hồ sơ để chấm dứt hoạt động dự án này.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)
Theo Phụ Nữ Mới