Bộ Tài chính đang gấp rút chỉ đạo sở giao dịch chứng khoán khẩn trương đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động từ 16/6.
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 2948/BTC-TCNH trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về việc thời gian vừa qua, tình trạng người dân tụ tập đông người, căng băng rôn, khẩu hiệu… tại các trụ sở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp với diễn biến phức tạp, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô do nguyên nhân từ việc các nhà đầu tư không được thanh toán trái phiếu đến hạn.
Cũng theo nhìn nhận của Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, dự báo trong thời gian tới, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp hơn. Trước tình hình này, Bộ Tài chính cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường trái phiếu và đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà đầu tư.
Theo Bộ Tài chính, nhìn lại năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua nhiều biến động lớn do phát sinh những vụ việc vi phạm pháp luật tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ tháng 4/2022, vụ việc của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB trong tháng 10/2022; đồng thời, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, lãi suất tăng, có thời điểm thanh khoản của nền kinh tế gặp nhiều căng thẳng.
Nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu đã tụ tập đông người ở các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, trụ sở doanh nghiệp, thậm chí cả nơi làm việc của cơ quan quản lý, gây mất trật tự và phản cảm đối với diện mạo Thủ đô. Thực tế trên còn góp phần làm giảm sút niềm tin của nhà đầu tư đối với kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp, khiến cho thanh khoản thị trường càng khó khăn hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi sau cơn “bạo bệnh” mang tên đại dịch Covid-19, việc tụ tập đông người đòi trả tiền trước hạn đã khiến một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp khó khăn trong việc cân đối các nguồn lực để thanh toán gốc, lãi trái phiếu, dẫn đến chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính chủ động báo cáo và Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ có các chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để các bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm áp lực thanh khoản và khôi phục niềm tin của thị trường.
Đồng thời, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng vì các thị trường này liên thông với nhau chặt chẽ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ thành lập các tổ công tác về bất động sản, chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Sáu nhóm giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành và các tổ công tác đã triển khai từ tháng 4/2022 đến nay bao gồm thứ nhất, về đảm bảo ổn định thanh khoản thị trường, cung ứng vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng phù hợp, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế.
Thứ hai, định hướng truyền thông để khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư.
Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an chủ động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, thông tin về tình hình thị trường, đào tạo kiến thức tài chính cho nhà đầu tư và tăng cường kiểm soát, xử lý việc đưa tin không chính thống, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường.
Thứ ba, Bộ Xây dựng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững để doanh nghiệp khẩn trương triển khai hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền của doanh nghiệp.
Thứ tư, các bộ, ngành tích cực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đề thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thứ năm, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu.
Thứ sáu, về hoàn thiện khung khổ pháp lý, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hoặc thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu đã phát hành trước đây tối đa không quá 2 năm.
Cùng với đó, ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc.
Nhờ đó, góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.
Trong nỗ lực chung vực dậy các thị trường và khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính cũng chủ động triển khai hàng loạt các công việc để ổn định tâm lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu.
Tổng Hợp
(VnEconomy)