Giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm chùn bước sự quan tâm của các nhà phát triển BĐS. Đã có hiện tượng doanh nghiệp lớn rút lui, sau khi vừa mới đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư tại những khu vực này.
Sự khan hiếm từ TP.HCM nên giá căn hộ không chỉ tại TP này mà tại các thành phố lân cận như Bình Dương cũng bị đẩy lên nhanh chóng, bất chấp Covid-19. So với năm 2019, giá căn hộ bình quân từ 25-30 triệu đồng/m2 đã bị đẩy lên mức từ 30-35 triệu đồng/m2, thậm chí 37- 38 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 15%). Như vậy, ngay cả đi khỏi TP.HCM những gia đình có thu nhập dưới 20 triệu đồng/người/ tháng cũng khó mua nhà với mức giá hiện tại.
Ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN, cho biết trong 2 năm trở lại đây tại Hà Nội, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn trong phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường.
“Do khan hiếm nguồn cung trong khi lượng cầu rất cao dẫn đến giá căn hộ tại TP.HCM tăng vọt trong quý 3, trong đó giá căn hộ trung cấp ở TP.HCM từ 40-45 triệu đồng/m2”, ông Đính nói.
Đại dịch Covid-19, một số kênh đầu tư khác thiếu ổn định nên người có tiền vẫn chọn bất động sản để cất giữ tài sản và đầu tư. Vì vậy, thị trường nhà ở cao cấp bị thừa trong giai đoạn trước năm 2019 có được nguồn khách hàng và tăng giá. Một căn hộ ở trung tâm TP.HCM khi bàn giao có giá khoảng 5 tỉ nay tăng lên 8 tỉ.
Trước sự lệch pha cung cầu, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp để hạ nhiệt giá nhà. Theo đó, bộ này đang gấp rút hoàn thành dự thảo nghị quyết về phát triển nhà ở giá thấp (giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 và diện tích tối đa 70 m2/căn hộ). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết dự thảo nghị quyết sẽ được bộ trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới với hàng loạt giải pháp căn cơ để giúp số đông người dân có thể tiếp cận nhà ở với giá phù hợp hơn. Chính phủ sẽ đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp.
Tại TP.HCM, nhu cầu về nhà ở hợp lý hiện rất lớn, nhưng trong giai đoạn 2016 -2019, chỉ có khoảng 14 dự án nhà ở xã hội với quy mô 10.255 căn hộ được đưa vào sử dụng, trong khi nhu cầu thực tế là gấp 10 lần, khoảng 134.000 căn.
Đặc biệt vẫn còn một số mâu thuẫn, chưa phù hợp trong hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở trong việc thực hiện thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất thông qua đấu giá, đấu thầu đối với các dự án phát triển nhà ở.
Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, trong khi những dự án BĐS mới, có mức giá trên dưới 1,5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm (2018) thì đến nay ngay cả căn hộ dưới 2 tỉ đồng/căn 2 phòng ngủ cũng rất khó tìm.
Phân khúc đất nền cũng có sự tăng giá còn nhanh và quy mô rộng hơn nữa. Đầu năm 2018 tại TP.HCM liên tiếp xảy ra các đợt sốt đất nền ở các quận vùng ven. Từ giữa năm 2018, sự chững lại của các cơn sốt đất tại TP.HCM đã góp phần tỏa nhiệt đến các tỉnh giáp ranh TP.HCM, thậm chí đến Bình Thuận, thiết lập những mặt bằng giá mới và hình thành nhiều điểm nóng đáng chú ý như Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa (tỉnh Long An), Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng/m2 nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng/m2.
Có thể thấy nhu cầu nhà ở xã hội đang trở thành “cơn khát” của TP.HCM, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực phát triển cho vành đai sản xuất công nghiệp ở phía nam thành phố, nhất là các trung tâm sản xuất lớn như Bình Tân, Bình Chánh.
Tuy nhiên đến hiện nay, các quỹ đất mà TP.HCM dành cho nhà ở xã hội cũng đang hiếm và khó tìm được nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra số vốn lớn để làm hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông đồng bộ để phát triển trở thành đô thị nhà ở xã hội kiểu mẫu góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế khu vực phía nam TP.HCM.
Thị trường BĐS xuất hiện nghịch lý giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30-40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng̣ đã có giá chào bán từ 20-30 triệu đồng/m2.
Giá căn hộ hạng C từ 2015 – 2019 là từ 16 – 25 triệu, tăng khoảng 80%. Tuy nhiên, hiện trạng căn hộ hạng C dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không có và ngay cả căn hộ dưới 30 triệu cũng rất hiếm hoi. Không những vậy, theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, nếu như từ năm 2017 trở về trước căn hộ hạng B và hạng C là phân khúc dẫn dắt thị trường khi chiếm tới 70-80% tổng nguồn cung căn hộ thì đến năm 2018 – 2019 đã khan hiếm nguồn cung căn hộ hạng C và từ đầu năm 2020 đến nay đã gần như không có căn hộ bình dân ra thị trường nữa.
Điển hình một dự án shophouse ở Dĩ An, khi mới bắt đầu khởi công xây dựng, được chào bán ra thị trường với giá 4-5 tỉ đồng căn 100m2. Thời điểm đó, mức giá này được đánh giá là khá đắt đỏ đối với nhà đất xung quanh đang được chào bán quanh mức 1,5-2 tỉ đồng/100m2. Sau hơn 1 năm, giá trị các căn shophouse này tăng mạnh lên mức 10-14 tỉ đồng/căn.
Từ khi thị trường bất động sản vào chu kỳ hồi phục từ cuối năm 2013 đầu 2014 đến nay, giá BĐS ở các phân khúc đã tăng khoảng gấp đôi. Nhưng thu nhập của người dân tăng không theo kịp.