Theo kế hoạch, sẽ có thêm ba tỉnh là thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Bắc Ninh, Thừa thiên – Huế và Khánh Hòa.
Theo Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa là 3 tỉnh dự kiến trở thành các thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2030.
Dự kiến tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Và dự kiến tỉnh Khánh Hòa là thành phố trực thuộc trung ương theo Kết luận số 53-KL/TW ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo 5 tiêu chuẩn của Nghị quyết quy định tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được 2 tiêu chuẩn và dự kiến sẽ đáp ứng 3 tiêu chuẩn còn lại.
Về tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội, các tiêu chí về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của Bắc Ninh đều đạt và cao hơn so với tiêu chuẩn quy định.
Giai đoạn 2020-2030, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hàng loạt dự án hạ tầng giao thông. Một số dự án trọng điểm như Dự án TL287 gồm 4 đoạn qua địa bàn thị xã Từ Sơn, các huyện Yên Phong, Tiên Du nối QL18 đến đường dẫn phía Bắc cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành; Dự án mở rộng, nâng cấp QL38 cũ từ nút giao IGS đến xã Tân Chi, huyện Tiên Du; Dự án đường giao thông từ nút giao TL277 đến khu lưu Niệm Nguyễn Văn Cừ; Dự án ĐT.279 đoạn Song Giang – Quỳnh Phú, huyện Gia Bình; Dự án ĐT.285B nối các huyện Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành.
Trong đó, dự án Cầu Chì kết nối hai huyện Quế Võ – Gia Bình là dự án quan trọng với vốn đầu tư dự kiến 1.892 tỷ đồng, được kỳ vọng đẩy nhanh quá trình đô thị hóa để Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bắc Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 130-136 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt hơn 38.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 37,7 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.
Thực hiện mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó Nha Trang là đô thị hạt nhân, Khánh Hòa tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư các dự án nhằm tạo động lực liên kết phát triển toàn vùng.
Nhằm đạt mục tiêu phát triển Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, tỉnh đã từng bước huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng.
Đến nay, hệ thống đô thị toàn tỉnh phát triển khá đồng bộ, tỷ lệ đô thị hóa đạt 60%. Tất cả các đô thị đã có quy hoạch chung được phê duyệt và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đang dần được phủ kín, trong đó, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu của thành phố Nha Trang trên 97%, thành phố Cam Ranh và các đô thị khác trên 50%; quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành 100%.
Về phát triển kinh tế xã hội, đến năm 2025, Khánh Hòa đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,5% trở lên, GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.685 USD.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế vào đầu tháng 7/2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Thừa Thiên Huế đang triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị theo cơ chế đặc thù với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.
Về phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm kỳ 2015-2020, Thừa Thiên – Huế đã có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 6,5%/năm và là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Ba tỉnh dự kiến sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 đã có quá trình đầu tư phát triển hạ tầng mạnh mẽ trong thời gian qua. Việt Nam hiện có năm thành phố trực thuộc trung ương, gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Tp.HCM và Cần Thơ.