Trên phạm vi toàn cầu, giá trị M& A năm 2020 tính đến quý 2/2020 đã ghi nhận suy giảm 52%. Việt Nam được đánh giá ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á nhưng trong trạng thái bình thường mới, hoạt động M&A dự kiến suy giảm, với giá trị năm 2020 ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Các doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng tiếp cận nguồn vốn vay thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp với chi phí huy động vốn bình quân dao động 7,9 – 13% cho nhóm ngành bất động sản, bình quân đạt 10,5%, kỳ hạn 3 – 5 năm. Với doanh nghiệp bất động sản có chi phí huy động ở mức 13% (chưa bao gồm chi phí thu xếp vốn) có thể thấy cao gấp đôi so với lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng thương mại hiện tại ở mức 5,3 – 6%, kỳ hạn một năm. Điều này có thể trở thành một áp lực cho doanh nghiệp phải khai thác hiệu quả khi sử dụng đòn bẩy tài chính nợ này.
Tuy vậy, giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu Covid. Theo dự báo của CMAC, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 – 2022. Theo đó thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 – 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.
Nhà đầu tư đã tìm thấy được nhiều kênh đầu tư hơn. Có thể kể đến như việc tham gia đấu giá trực tiếp từ phía Nhà nước. Ví dụ như UBND TP.HCM vừa chấp thuận cho Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện đấu giá 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 tại Thủ Thiêm. Trước đó, vào tháng 5/2020, UBND Thành phố cũng chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về phương án đấu giá khu đất tái định cư 38,4 ha nằm trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường Bình Khánh, quận 2.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao, Thị trường vốn Việt Nam, JLL cho hay: “Chúng tôi thấy vẫn còn đó rất nhiều khó khăn từ cả chủ quan lẫn khách quan. Từ việc cải thiện nhiều hơn nữa tính minh bạch và công khai danh mục tài sản bao gồm những tài sản tốt, hiệu quả đầu tư cao. Cùng với đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ phía ngân hàng và sự linh hoạt hơn nữa từ phía nhà đầu tư. Chúng tôi tin sẽ có nhiều giao dịch xảy ra hơn thông qua kênh đầu tư này trong thời gian tới.
Bà Khanh cũng cho biết thêm, số lượng giao dịch M&A vào phân khúc nhà ở có phần chậm lại trong năm nay, chủ yếu là do tác động của Covid-19, các quá trình rà soát các dự án bất động sản kéo dài nhiều năm cùng với việc kiểm soát chất lượng tín dụng vào bất động sản. Một trong những thương vụ đáng chú ý được công bố đầu năm là liên doanh giữa Mitsubishi Corporation (40%), Nomura Real Estate Development (40%) và Vingroup (20%) để cùng phát triển phân khu 10.000 căn hộ tại Vinhomes Grand Park , một khu đô thị tại quận 9, TP.HCM. Một giao dịch nổi bật khác là khoản đầu tư 650 triệu USD nhóm nhà đầu tư do KKR dẫn dắt vào Vinhomes, tương đương 6% cổ phần tại công ty. Với nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài được giải ngân mạnh trong thời gian gần đây đã thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cùng hoạt động bán hàng của siêu dự án này.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp Tài chính Tập đoàn Novaland cho hay, Novaland dựa trên cơ sở M&A để tăng trưởng và phát triển. Quỹ đất cũng tăng cùng với trục phát triển của Tập đoàn.
Ngoài Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Danh Khôi, An Gia, LDG Group đang săn tìm quỹ đất mới thông qua các thương vụ M&A. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2020, Danh Khôi đã tiến hành M&A khá nhiều dự án lớn, mỗi thương vụ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là thương vụ mua lại 100% vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier để trở thành chủ đầu tư Dự án Sun Frontier.
Ngoài dự án trên, Danh Khôi cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại Dự án Đà Nẵng Hotel and Resort, có quy mô 7,5 ha từ Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước; mua lại 3 lô đất vàng có diện tích hơn 11.000 m2 tại Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP. Nha Trang, Khánh Hòa).
An Thịnh Group cũng là cái tên “đình đám” trong làng BĐS với các thương vụ M&A. Doanh nghiệp này được hình thành từ nhóm các công ty, cá nhân với hàng chục năm kinh nghiệm, nhưng ít người biết đến, cũng bởi cách thức “đi tắt đón đầu” thông qua hình thức mua bán – sáp nhập (M&A), đẩy nhanh phát triển các dự án của tên tuổi này.
Chỉ trong thời gian ngắn, An Thịnh Group đã ghi tên mình trên bản đồ thị trường bất động sản phía Bắc với nhiều dự án lớn có quy mô lên tới hàng ngàn tỷ đồng ở địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Dự án Tổ hợp căn hộ – Trung tâm thương mại và Văn phòng hạng A, The Legacy ngay ngã tư Ngụy Như Kontum – Lê Văn Thiêm; Dự án Phú Cát City tại Thạch Thất – Hà Nội; Tổ hợp nhà ở sinh thái nghỉ dưỡng, điều dưỡng và vui chơi giải trí Legacy Hill Hòa Bình; Khu biệt thự nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái Hồ Lụa; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Reenco Hòa Bình; Khu đô thị Hòa Bình Green…
“Đi tắt, đón đầu” qua M&A dự án đã giúp An Thịnh Group nhanh chóng tạo lập quỹ đất. Thế nhưng, con đường này không dễ dàng, chưa kể, những dự án mà An Thịnh mua lại đều là dự án “đắp chiếu” lâu năm.
JLL ghi nhận những kênh đầu tư này không phải xa lạ với các nhà đầu tư, tuy nhiên, do những năm trước đây vẫn còn thiếu tính minh bạch thông tin, thiếu hành lang pháp lý nên có rất ít tài sản giao dịch thành công. Và đứng trước những bế tắc về tính thanh khoản khi rất nhiều dự án bị treo quy hoạch hoặc đang trong giai đoạn thanh tra, rà soát của Nhà nước, các nhà đầu tư càng chủ động tiếp cận các hình thức đầu tư trên.
Tại diễn đàn M&A năm 2020 do báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM, nhiều doanh nghiệp BĐS đã “tiết lộ” các giao dịch mua bán – sáp nhập với quy mô lớn đang tạo đà cho doanh nghiệp bật dậy sau thời điểm dịch.