Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có ba văn bản kiến nghị lên tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho ba dự án nhà ở thương mại, nâng tổng số dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đô thị được Hiệp hội kiến nghị trong năm 2022 lên 149 dự án…
Trong văn bản ban hàng ngày 9/1 vừa qua, HoREA cho biết Hiệp hội đã đề nghị UBND TP HCM quan tâm xem xét, sớm giải quyết kiến nghị củaCTCP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát về việc chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với dự ánKhu nhà ở cao tầng phường Phú Mỹ, quận 7 do doanh nghiệp làm chủ đầu tư (dự án đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt).
Trên cơ sở cập nhật các chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt tại đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 mà không cần phải giải trình lại các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó có chỉ tiêu dân số.
Dự án Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp do TNHH Gotec Việt Nam làm chủ đầu tư (tại đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7) đã được doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM có chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu Sở Xây dựng TP HCM giải quyết, cấp thông báo đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai, trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp.
Căn cứ vào đơn kiến nghị và hồ sơ dự án, HoREA kiến nghị UBND TP HCM sớm tổ chức họp làm việc trực tiếp với công ty Gotec và Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tư pháp để xem xét giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
Để cho công ty được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp (đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7, tên thương mại là Shizen Home) theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Về dự án sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm của CTCP Chế biến lương thực và Thực phẩm Yên Mỹ (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), HoREA kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên quan tâm xem xét kiến nghị của doanh nghiệp về các vướng mắc để có văn bản kiến nghị lên các Bộ, Ngành, Chính Phủ, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hướng dẫn tháo gỡ đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa khi chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa; hoặc tại phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa quy định rõ hay không quy định về phương án sử dụng đất, được điều chỉnh mục đích sử dụng đất khi dự án phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Giữa tháng 11, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được thành lập, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng, làm việc trực tiếp với các địa phương để tìm hiểu các nguyên nhân gây ra “điểm nghẽn”, chủ yếu nằm ở thủ phục pháp lý”.
Tiếp theo, vào vài ngày trước, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, với các chỉ đạo cụ thể tới các bộ ngành liên quan, các địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội ngân hàng cũng cho biết, có 19 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, ở tất cả các kỳ hạn.
Các doanh nghiệp bất động sản đã đón nhận các thông tin trên với một tâm thế rất hồ hởi.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá: “Việc xây dựng nghiên cứu đưa ra các nhóm giải pháp, đặc biệt lập ra các nghị định, sửa nhiều nghị định thì chúng tôi cho rằng đây là tính quyết liệt rất mạnh của Chính phủ”.
Tổng Hợp
(Doanh Nghiệp Kinh Doanh, VTV)