TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết hiện cả nước có trên 1.200 dự án bất động sản ước tính trên 30 tỷ USD, đang nằm chờ rà soát, thanh tra.
1.200 dự án bất động sản, 30 tỷ USD mắc kẹt
Chia sẻ tại tọa đàm “Tiêu điểm đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới”, TS. Nguyễn Văn Đính nhìn nhận thị trường bất động sản 20 năm trở lại đây đã tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, sau thời gian tăng trưởng mạnh, từ năm 2018 – 2019 đến nay đã xuất hiện những dấu hiệu gặp khó.
Nguyên nhân là do những vướng mắc về thể chế, pháp lý. Hiện cả nước có trên 1.200 dự án ước tính trên 30 tỷ USD, đang nằm chờ rà soát thanh tra. Trước thực trạng này, Chính phủ, Quốc hội đã sửa đổi các luật liên quan đến thị trường như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Trong các luật sửa đổi lần này, quan điểm của các nhà làm luật là nhằm đồng nhất các quy định thể chế, liên quan đến sử dụng đất đai, không để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giúp cho các hoạt động đầu tư, sử dụng các nguồn lực đất đai được rõ ràng, minh bạch, hướng đến việc làm thế nào đẩy mạnh năng lực thực tế.
“Các khó khăn của thị trường thời gian vừa qua cũng chính là sự sàng lọc cuộc chơi. Thị trường chỉ còn lại những doanh nghiệp đủ năng lực. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ buộc phải cùng liên doanh, liên kết để có đủ sức phát triển và tồn tại trên thị trường”, ông Đính nói.
Khi các luật có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ không thể “tay không bắt giặc”, bởi phát triển các dự án sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư phải là người làm thật chơi thật. Việc đón sóng, lướt sóng ảo sẽ không thể xảy ra khi các quy định pháp luật mới có hiệu lực.
Ngoài ra, một số điểm mới của các luật liên quan đến thị trường bất động sản như bảng giá đất trước quy định 5 năm 1 lần, do trung ương quyết định, tuy nhiên hiện nay bảng giá đất được cập nhật hàng năm, phân quyền xuống địa phương.
Các thông tin về giá đất chặt chẽ, rõ ràng, để cuộc chơi có tính chất sòng phẳng, công bằng hơn. Bên cạnh đó là các quy định về đầu tư, nhà ở xã hội, bán nhà cho người nước ngoài… đó là những quy định mới sẽ tạo cuộc chơi hay hơn, hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Các quy định mới trong luật như vậy, song ông Đính băn khoăn vấn đề đặt ra là các nghị định, thông tư dưới luật liệu có phát sinh thêm những điểm nghẽn hay không? Liệu tới đây các văn bản này có thực sự tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hay không?
Giá đất là điểm nghẽn rất lớn
Ông Đính nhấn mạnh vấn đề giá đất cũng là điểm nghẽn rất lớn, nếu không giải quyết được sẽ tiếp tục gây tắc nghẽn các dự án, kéo theo đó là nhiều vấn đề ách tắc cho thị trường bất động sản.
Liên quan đến vấn đề giá đất, Luật sư, Ths. Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cũng cho rằng việc định giá đất đất theo quy định mới, về cơ bản đã chi tiết đến từng trường hợp nên có thể thúc đẩy quá trình định giá đất – vốn là một trong các điểm nghẽn trong việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Luật Đất đai 2024 quy định việc sử dụng giá trong bảng giá đất sẽ trở lên phổ biến hơn.
Tuy nhiên, việc thẩm định giá hay định giá bất động sản theo các quy định mới được ban hành chưa có sự thay đổi “đột phá”. Luật vẫn quy định phương pháp xác định giá đất cụ thể dựa trên quy định trước đây (bỏ định giá đất theo phương pháp chiết trừ).
Theo luật sư Tuấn, việc xác định giá đất vẫn chịu ảnh hưởng nhiều từ nhận định chủ quan của người thực hiện định giá; việc nhận định phụ thuộc nhiều vào vị trí, mục đích, lợi thế, thời điểm… định giá để đưa ra các yếu tố điều chỉnh định tính, dựa trên tỷ lệ phần trăm (%) giá trị của tài sản so sánh để đưa ra giá trị điều chỉnh tuyệt đối.
Cách đánh giá, nhìn nhận của cơ quan có thẩm quyền khi xác định giá đất và các đơn vị hậu kiểm (như thanh tra, kiểm toán hoặc cơ quan điều tra) có thể khác nhau khi so sánh, đối chiếu, dễ dẫn đến quy kết về thất thoát trong xác định giá đất.
Trong bối cảnh như vậy, giải pháp “an toàn” cho bên định giá là xác định giá đất cao lên để không bị “quy” làm thất thoát ngân sách, ông Tuấn nói.
Như vậy, cách thức xác định giá đất về cơ bản vẫn dựa trên một nền tảng cũ, cho dù có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thì cũng khó kỳ vọng tạo ra sự thay đổi lớn. Việc xác định giá đất cụ thể tại các dự án bất động sản có thể dù có được cải thiện nhất định nhưng vẫn có thể sẽ là điểm nghẽn nếu tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của những người thực thi không cải thiện.
Cũng theo luật sư Tuấn, sự khó lường trong cách xác định giá đất dễ khiến những doanh nghiệp mới tham gia thị trường rơi vào thế “vỡ trận” nếu không có năng lực tài chính, dòng tiền tốt. Khi tiền sử dụng đất được xác định cao là một trong những nguyên khiến doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư bất động sản “chân ướt chân ráo” vào thị trường, gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ nặng. Nếu không “xoay” được tài chính để nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp rơi vào thế kẹt: tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để “xóa” nợ không được, triển khai tiếp dự án cũng không xong vì không có nguồn vốn xây dựng.
Hơn nữa, chi phí về tiền sử dụng đất là một bộ phận chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lớn khi chủ đầu tư xây dựng giá thành, giá bán trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, cách xác định giá đất hiện nay của cơ quan chức năng dễ rất khó cho các chủ đầu tư có thể “ước tính” trong quá trình chuẩn bị đầu tư; có thể gây rủi ro trong khâu tiêu thụ, khai thác cũng như đánh giá hiệu quả của khoản đầu tư.
Do đó, luật sư Tuấn nhìn nhận, việc xác định được giá đất trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư là một trong những điều kiện quan trọng để chủ đầu tư xác định, tính toán hiệu quả đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp xem xét nên tham gia thực hiện các dự án theo phương thức đấu giá; khi đó tiền sử dụng đất (giá khởi điểm) đã được xác định rõ, không còn là “ẩn số” như các dự án doanh nghiệp bồi thường giải phóng mặt bằng trước, nộp tiền sử dụng đất như hiện nay.