“Stress quá, chưa khi nào đi làm nghề mà deal thì nhiều nhưng không khớp được một deal nào”, nữ nhân sự có tên tuổi trong làng IB chia sẻ. Hoạt động IB đang sôi động trở lại theo nhu cầu gọi vốn của các doanh nghiệp…
Theo vị này, nếu như năm 2021 “làm deal mệt nghỉ, đụng đâu trúng đó”, thì giai đoạn vừa rồi “đụng đâu trật đó”. Bởi bối cảnh chung là mọi thứ đều chưa thấy “ánh sáng”, ai cũng bi quan, dò xét và ngại rủi ro nên các deal gọi vốn/huy động vốn gần như không thể thông qua.
Vào cuối năm 2022, ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đi thăm một số doanh nghiệp thuỷ sản và nhận thấy các doanh nghiệp đóng sản xuất và cho công nhân nghỉ Tết sớm. Lúc đó, giá tôm và cá tra đang xuống, doanh nghiệp muốn đẩy hàng tồn kho, thu tiền về và giảm nợ vay.
Theo ông Bình, nhìn tổng quan, nhiều doanh nghiệp trong hai quý vừa rồi hạ rất mạnh tỷ lệ hàng tồn kho, dùng số tiền đó để trả nợ. Tại thời điểm này, qua 2 – 3 quý mà doanh nghiệp không nhìn thấy tương lai, kể cả mùa tiêu dùng lễ Tết, nên doanh nghiệp bắt đầu giảm hàng tồn kho, nghĩa là họ bắt đầu bi quan. Cũng đồng nghĩa, nhu cầu tăng vốn chưa chắc trên diện rộng, mà tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh, cũng như kế hoạch của từng doanh nghiệp.
Ở gam màu khác, theo thực tế ghi nhận của người viết, từ khoảng cuối tháng 6 đến nay, các team IB và lực lượng dealer đang bận rộn hơn hẳn với các đơn “đặt hàng” tìm “nguồn” cho doanh nghiệp, cho cổ phiếu, trải dài ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ sản xuất, y tế, thương mại, bất động sản, ngân hàng… Phương thức cũng rất đa dạng, từ tư vấn kế hoạch phát hành cổ đông hiện hữu, đến mời chào đối tác nước ngoài/riêng lẻ và cả những deal cho vay margin… Bận rộn khiến họ cảm giác “có sức sống” khi nhìn thấy sự chuyển động ở từng thực thể kinh doanh, ở nhu cầu vốn để duy trì, đầu tư kinh doanh.
Nhân sự của một công ty chuyên tư vấn mua bán doanh nghiệp liên tục gửi danh sách cập nhật bên bán từ khoảng 2 tháng nay, chẳng hạn như một doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics với quy mô thương vụ 1.000 tỷ đồng, hay doanh nghiệp xăng dầu gần 400 tỷ đồng, doanh nghiệp nhựa 250 tỷ đồng, nhà máy sản xuất bánh kẹo 200 tỷ đồng… Vị này cho biết, nhu cầu bán nhiều, mua cũng không ít, nên đang cố gắng mở rộng mạng lưới để tăng khả năng “khớp deal” nhanh hơn.
Giám đốc chi nhánh miền Nam một công ty chứng khoán cho biết đang “xù đầu xù tai, không có thời gian nghỉ”, khi các thương vụ tư vấn bắt đầu chạy lại, từ tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, tìm đối tác chiến lược nước ngoài cho tới M&A.
Vị này chia sẻ đang tư vấn toàn bộ dịch vụ cho một doanh nghiệp bán lẻ. Sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp này có kế hoạch tái cấu trúc toàn diện, định vị lại thương hiệu và bám theo chiến lược phát triển bền vững hơn. Theo đó, doanh nghiệp đang cần huy động vốn để mở rộng mạng lưới phân phối bằng cách mở thêm cửa hàng cũng như mua lại một công ty cùng ngành. Để có nguồn lực tài chính, doanh nghiệp cần phải huy động qua nhiều kênh, từ trái phiếu, tăng vốn qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, lên kế hoạch mời chào đối tác nước ngoài song hành cùng hoạt động công ty.
“Có nhiều quỹ đầu tư quan tâm và vừa qua đã chốt được đối tác phù hợp tham gia cùng công ty. Vậy là xong bước 1, vẫn đang tiếp tục song hành cùng doanh nghiệp trong công tác M&A tiếp theo”, vị này tiết lộ.
Một đầu mối thường xuyên làm việc với các quỹ đầu tư nước ngoài cho biết sẵn sàng tìm hiểu, làm thẩm định thương vụ với những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tăng trưởng, quản trị công ty mức vừa phải trở lên nếu có nhu cầu tăng vốn hoặc thoái vốn vì bên mua đã có sẵn. Tuy vậy, nhân sự này cho biết rất khó tìm được doanh nghiệp như vậy vì bên mua yêu cầu doanh nghiệp phải có quy mô doanh thu từ 150 triệu USD trở lên, một số doanh nghiệp đáp ứng điều kiện thì họ lại “không thiếu tiền”.
Trong lĩnh vực dược phẩm, Bidiphar – doanh nghiệp dược phẩm sản xuất thuốc ung thư duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán – có kế hoạch huy động vốn trên 1.000 tỷ đồng trong năm nay. Nguồn vốn huy động được dự kiến bổ sung vốn đầu tư cho Bidiphar trong việc triển khai xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP-EU.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, Hội đồng quản trị Bidiphar cho biết, Công ty không quá thiếu tiền để phải huy động vốn bằng mọi giá, mà mong muốn tìm được đối tác có thể vừa hỗ trợ được nguồn lực tài chính vừa hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm.
Mới đây, dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ của Bidiphar được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án được xây dựng tại Lô A3.03, Khu công nghiệp Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội (xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), với tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng. Dự án này sẽ sản xuất các sản phẩm thuốc nhỏ mắt, các dạng thuốc tiêm vô trùng theo tiêu chuẩn GMP-EU với công suất 120 triệu sản phẩm/năm.
Đây là dự án tiếp theo sau dự án Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư dạng tiêm theo tiêu chuẩn GMP- EU đã đi vào hoạt động và dạng viên chuẩn bị hoàn thành. Các dự án đầu tư này đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của Bidiphar, với mục tiêu phát triển các dòng sản phẩm với chất lượng cao nhằm nâng sức cạnh tranh sản phẩm từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Được biết, có khá nhiều đoàn nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn dược phẩm đã tới tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào Bidiphar. Hiện Bidiphar vẫn chưa chốt đối tác, nhưng Công ty cho biết, kỳ vọng sẽ có thể “đóng deal” trong năm nay.
Dĩ nhiên, không phải thương vụ huy động vốn, M&A nào cũng hanh thông, nhiều deal nhưng khớp deal không hề dễ, vì bên mua trả giá thấp so với kỳ vọng của bên bán, còn bên bán chờ đợi lãi suất giảm thêm chút nữa tạo điều kiện chào bán thành công…
“Nửa đầu năm bất động, hiện công ty đang nỗ lực để đẩy bán hàng trở lại, nhưng bài toán tài chính cho khách hàng là vấn đề. Với việc sửa Thông tư 06, hy vọng ngành có cửa sáng hơn, vì tiếp cận vốn vay sẽ nới hơn”, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở phân khúc trung cấp cũng gặp bài toán tương tự. Sức cầu yếu, lãi suất mặt bằng cao, khó tiếp cận vốn khiến họ gặp thách thức trong công tác bán hàng – cấu phần quan trọng trong dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản (bên cạnh vốn tự có, vốn tín dụng, trái phiếu).
Tổng hợp
(ĐTCK)