Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét các phản ánh, tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện quy định thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với người cho thuê nhà.
Trước đó nhiều chuyên gia đã nhận định ngưỡng chịu thuế cho thuê nhà quy định tại Thông tư số 40 ngày 1/6/2021 của Bộ Tài chính cần phù hợp thực tế trong bối cảnh người cho thuê đang phải chịu áp lực do đại dịch COVID-19.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, quy định ngưỡng chịu thuế phải phù hợp với chỉ số tiêu dùng đã tăng hiện nay và giảm áp lực mặt bằng giá cho người đi thuê. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương, nghiêm túc xem xét các vướng mắc được phản ánh nêu trên để kịp thời đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với người cho thuê nhà; kịp thời thông tin đầy đủ, thỏa đáng, trả lời rộng rãi cho Hiệp hội, người dân được biết.
Thông tư số 40 ngày 1/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, mức doanh thu cho thuê nhà một năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế. Nếu đã khai, nộp thuế và đến cuối năm tự xác định doanh thu trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống, cá nhân được đề nghị xử lý hoàn trả hoặc bù trừ vào số phải nộp phát sinh của kỳ sau theo quy định. Cá nhân cho thuê nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm (8,33 triệu đồng/tháng) sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân 5%, thuế giá trị gia tăng 5%. Tổng thuế suất hai loại thuế này là 10% trên doanh thu. Tuy nhiên, sau khi được Bộ Tài chính ban hành, Thông tư số 40 đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều đến từ phía người dân và giới chuyên gia.
Ngược lại, đối với loại hình căn hộ trung bình hoặc bình dân, người thuê là cá nhân thì rất hiếm trường hợp áp dụng việc khai thuế. Về mức thuế 10%, cho dù thu nhập từ việc cho thuê trên 100 triệu đồng/năm thì mức này cũng khá cao so với bối cảnh hiện nay, khi giá cả và lạm phát đã tăng cao so với thời điểm 3 – 4 năm trước. Hơn nữa, để cho thuê được căn hộ, chủ nhà đã phải bỏ thêm các chi phí như quảng cáo, môi giới (thường là 1 tháng tiền thuê cho hợp đồng thuê 1 năm, tương đương 8%), mua sắm trang thiết bị nội thất,… Chưa kể khi mua căn hộ, chủ nhà phải trả tiền lãi vay ngân hàng.
Căn hộ cho thuê từng được xem là một kênh đầu tư sinh lời an toàn, có nguồn thu đều đặn mỗi tháng. Đồng thời, giá trị căn hộ cho thuê cũng tăng theo thời gian. Thế nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, thị trường căn hộ cho thuê không ít lần rơi vào cảnh chật vật, chủ đầu tư bị đẩy vào cảnh đau đầu với chi phí khổng lồ hàng tháng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội,…
Chưa kịp thích nghi trước tác động của dịch COVID-19, từ cuối tháng 4 đến nay, nhiều nhà đầu tư căn hộ cho thuê trong chung cư, cao ốc lại có thêm lý do để lo lắng khi các cơ quan thuế có động thái siết chặt quản lý đối với phân khúc này. Tại TP HCM, Cục thuế thành phố đã có tờ trình gửi UBND TP HCM về kế hoạch thu thuế một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Theo đó, Cục sẽ làm việc với các cá nhân, tổ chức cho thuê nhà; cho thuê căn hộ, cho thuê mặt bằng kinh doanh tại chung cư; cá nhân, tổ chức trực tiếp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong khu vực chung cư; cá nhân, tổ chức cho thuê văn phòng để thực hiện thu thuế.
Trước mắt, TP HCM sẽ thí điểm thu thuế căn hộ cho thuê đối với các chung cư ở quận 11, gồm Chung cư Res 11 (205 Lạc Long Quân, phường 3), khu nhà ở thương mại Thuận Việt (319 Lý Thường Kiệt, phường 15), cao ốc Bảo Gia (184 Lê Đại Hành, phường 15), chung cư 70 Lữ Gia (70 Lữ Gia, phường 15), cao ốc Khải Hoàn (624 Lạc Long Quân, phường 5). Trước động thái này, trong bối cảnh dịch bệnh, lợi nhuận từ việc kinh doanh căn hộ không nhiều, nếu mức thu thuế quá cao trong thời điểm này sẽ khiến nhà đầu tư gặp khó.
Sau TP HCM, Cục thuế TP Hà Nội cũng có công văn chỉ đạo rà soát, quản lý với các hộ, cá nhân cho thuê nhà; đồng xử lý hành vi không đăng ký kê khai, nộp thuế đối với việc cho thuê.
Cương Nguyễn