Thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đã trở lại cuộc đua phát hành trái phiếu trong tháng 5 và 6/2022 sau sự cố tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Trong tháng 5 một số doanh nghiệp bất động sản đã rục rịch trở lại tìm vốn từ kênh trái phiếu và bắt đầu có sự tăng tốc trong tháng 6. Nếu như tháng 5 các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đánh dấu việc trở lại thị trường với tổng số trái phiếu phát hành gần 6.900 tỷ đồng thì trong tháng 6 (tính đến ngày 24/6) con số này hơn 7.500 tỷ đồng.
Nhìn lại kênh trái phiếu vẫn có mặt tích cực bởi đây vẫn là dòng vốn chiếm tỷ lệ lớn hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khi tín dụng ngân hàng không đáp ứng đủ. Tín dụng ngân hàng thoạt nhìn là có vai trò rất lớn nhưng quan sát ở tất cả các doanh nghiệp có quy mô lớn thì tỷ lệ vốn vay trái phiếu vẫn lớn hơn.
Trong tháng 6, nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục đứng đầu về giá trị phát hành với khối lượng là 15.790 tỷ đồng. Trong đó, Techcombank phát hành nhiều nhất với 4.500 tỷ đồng, theo sau là BIDV với 4.460 tỷ đồng và MB là 2.730 tỷ đồng. Ở nhóm công ty tài chính, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC chiếm phần lớn với 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm sau 3 đợt phát hành.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021, trong đó chỉ ra 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất với tổng giá trị lên tới 100.054 tỷ đồng, chiếm 49,8% tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp này.
Một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.
Bộ Tài chính cũng cảnh báo về việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, không bền vững sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính, ảnh hưởng đến nhu cầu huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong năm 2022, cơ quan quản lý khẳng định sẽ tăng cường quản lý, giám sát để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, an toàn và bền vững.
Tài sản đảm bảo của trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84% tổng khối lượng phát hành), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng của doanh nghiệp bất động sản là 8.996 tỷ đồng và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ 143.389 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 6,2% tổng giá trị phát hành.
Những doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu trở lại trong tháng 6 như Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu, Công ty CP Đầu tư Nam Long phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, Tập đoàn Vingroup công bố kết quả phát hành 100 triệu USD, Tập đoàn Novaland phát hành 5.774 tỷ đồng trong tháng 5 và hơn 2.000 tỷ đồng trong tháng 6.
Tổng Hợp