Theo HoREA, hành vi “ủy quyền” của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản, dự án xây dựng nhà ở là hợp pháp và là quyền của chủ sở hữu tài sản.
Góp ý một số điều của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Quốc hội và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, khoản 7 Điều 3 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định cấm tất cả chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở “ủy quyền” cho tất cả các bên thứ ba là chưa hợp lý, hợp tình và cũng chưa phù hợp với thực tế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho hay, nội dung khoản 7 Điều 3 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định tại khoản 2 Điều 2, Điều 158, Điều 562, khoản 1 Điều 565 và khoản 2 Điều 567 Bộ Luật Dân sự 2015 cho phép chủ sở hữu tài sản có quyền “ủy quyền” cho bên thứ ba thực hiện quyền nhân danh bên ủy quyền.
Theo ông Châu, hành vi “ủy quyền” của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản, dự án xây dựng nhà ở là hợp pháp và là “quyền” của chủ sở hữu tài sản.
“HoREA nhận thấy, trên thực tế việc cho phép chủ đầu tư ủy quyền cho bên thứ ba mà nếu các chủ đầu tư này thiếu trách nhiệm, không quản lý, không kiểm soát chặt chẽ thì có thể dẫn đến tình trạng “bên nhận ủy quyền” lừa đảo, làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, không nên chỉ vì quan ngại trên đây mà khoản 7 Điều 3 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định cấm tất cả chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở ủy quyền cho tất cả các bên thứ ba”, ông Châu nhận định.
Để quy định về hành vi “ủy quyền” cho phù hợp với thực tế, HoREA đề nghị cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở “ủy quyền” cho bên thứ ba là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân và “có chức năng kinh doanh bất động sản”. Dẫn chứng cho đề nghị này, ông Lê Hoàng Châu cho hay: Trên thực tế có thể xảy ra trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại A thuê nhà thầu B (cũng là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) thi công xây dựng và thỏa thuận thanh toán bằng sản phẩm căn hộ của dự án A.
Vì vậy, cả hai bên đều có nhu cầu “ủy quyền” và “nhận ủy quyền” để nhà thầu B chủ động bán sản phẩm được phân chia của dự án A.
Một ví dụ khác, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại A hợp tác với doanh nghiệp bất động sản B thông qua hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp tác kinh doanh và thỏa thuận phân chia sản phẩm của dự án A, nên cả hai bên đều có nhu cầu “ủy quyền” và “nhận ủy quyền” để doanh nghiệp B chủ động bán sản phẩm được phân chia của dự án A.
“HoREA nhận thấy, việc cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở “ủy quyền” cho bên thứ ba là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân và có chức năng kinh doanh bất động sản, thì gần như không dẫn đến tình trạng chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, không quản lý, không kiểm soát chặt chẽ hoặc “bên nhận ủy quyền” lợi dụng việc ủy quyền để lừa đảo, làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội”, ông Châu nói.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về “trách nhiệm của chủ đầu tư dự án bất động sản” cũng quy định chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua nhà ở tại dự án.
Do vậy, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cho phép chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản được “ủy quyền” cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân và có chức năng kinh doanh bất động sản thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua nhà ở tại dự án.
Tổng Hợp
(Dân Việt)