Dự thảo Thông tư quy định, khi cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của đại lý (đối với trường hợp cung cấp qua tổ chức đại lý, việc kiểm tra được thực hiện trước khi quyết định phát hành hợp đồng); nội dung kiểm tra phải nhằm đánh giá việc bên mua bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và các sản phẩm bảo hiểm được tư vấn phù hợp với nhu cầu tài chính của bên mua.
Đáng chú ý, doanh nghiệp bảo hiểm không được phát hành hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư nếu nội dung ghi âm không có xác nhận của bên mua về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với năng lực tài chính, nhu cầu bảo hiểm của bên mua.
Tại phiên bản mới nhất của dự thảo Thông tư (được cập nhật đến ngày 17/7/2023) có nội dung quy định, ngân hàng với tư cách là đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Trả lời thắc mắc vì sao là “60 ngày”, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đây là con số phù hợp sau khi tham khảo ý kiến của các bên, liên quan tới quy định giải ngân của ngân hàng trong trường hợp hồ sơ đi vay vốn đầy đủ.
Trước đó, tại dự thảo Thông tư chưa được chỉnh sửa, Bộ Tài chính từng đưa ra quy định “ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng (tạm gọi tắt là bán bảo hiểm liên kết đầu tư) trong thời gian khách hàng thực hiện các thủ tục vay vốn và trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày giải ngân khoản vay”.
Theo giới chuyên môn, đây là một quy định thiết thực, giúp kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng hoạt động lành mạnh hơn, tránh trường hợp khách hàng đi vay vốn bị “ép” mua bảo hiểm gây bức xúc như thời gian qua.
Ở một diễn biến liên quan khác, kết luận thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tại 4 công ty bảo hiểm nhân thọ (gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife) được Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ qua các ngân hàng này bị hủy chỉ sau năm thứ nhất lên tới 73%. Con số này đồng nghĩa với việc tỷ lệ mua bảo hiểm không tự nguyện ở mức cao, có thể khiến nhiều hợp đồng bảo hiểm được mua một cách lãng phí, hàng ngàn tỷ đồng của người tham gia bảo hiểm có thể “mất trắng” nếu không được tái tục.
Thực tế, thời gian qua, nhiều người dân phản ánh về việc bị “ép” mua bảo hiểm khi đi vay vốn tại ngân hàng, thậm chí không ít trường hợp tiền gửi tiết kiệm bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm và tình trạng này đã được đưa lên nghị trường Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia ủng hộ Bộ Tài chính có quy định siết chặt hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, không để tiếp tục xảy ra tình trạng này trong thời gian tới.
Dù được cho là thiết thực, nhưng theo giới chuyên môn, vẫn còn những kẽ hở nhất định, bởi nếu chỉ quy định không được bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trong thời hạn như trên thì ngân hàng vẫn có thể tư vấn các dòng sản phẩm bảo hiểm khác như sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp. Vì thế, có quan điểm cho rằng, cần cấm bán với cả bảo hiểm nhân thọ.
“Khách hàng đi gửi tiền tiết kiệm, làm thẻ tín dụng, vay vốn… vẫn được tư vấn bình thường và ở đây chỉ cấm đối với dòng bảo hiểm liên kết đầu tư (bao gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị), nhưng theo tôi, nên cấm cả tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói chung”, ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam đề xuất.
Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng cần được phát triển tự nhiên theo xu thế thị trường, không nên quá cực đoan khi có nhiều cách thức để kiểm soát việc tự nguyện tham gia bảo hiểm.
Tổng Hợp
(ĐTCK)