Những dự báo về tình hình thị trường bất động sản năm 2021 có cơ hội tăng trưởng rất nhiều nhưng cũng có nhiều thách thức chờ đón các doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Dự báo thị trường bất động sản nhà ở trong năm 2021, VARs cho biết, đối với các dự án đang bị vướng mắc trong quy định pháp luật sẽ được tháo gỡ nhiều phần. Do vậy, nguồn hàng cả nước sẽ tăng mạnh so với năm 2020.
Cụ thể, tại Hà Nội, ngay quý I, quý II của năm 2021 dự kiến sẽ có hàng vạn sản phẩm với đa dạng các phân khúc chào hàng thị trường. Trong đó khu vực Bắc và Tây Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng nhiều nhất. Còn tại TP. HCM, khảo sát cho thấy khoảng 20 dự án sẽ chào hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, cung cấp ra thị trường khoảng 3 vạn sản phẩm với đủ loại phân khúc sản phẩm.
Về lực cầu, VARs đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn nên nhu cầu đầu tư và mua nhà tăng trở lại. Dự báo sức cầu của nhóm này sẽ đạt 70% lực cầu năm 2019.
“Kinh tế tăng trưởng tốt hơn, đồng nghĩa một số ngành kinh tế khác sẽ hồi phục. Một phần nhóm đầu tư ngắn hạn vào thị trường bất động sản sẽ quay trở lại thị trường truyền thống của mình”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARs nhận định.
Theo VARs, nhu cầu về phân khúc căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Phân khúc căn hộ trung cấp loại căn hộ có 2 phòng ngủ tiếp tục được giao dịch nhiều nhất. Dự báo năm 2021 đạt từ 90.000 đến 100.000 sản phẩm căn hộ được giao dịch tại TP.HCM và Hà Nội.
Sẽ bình ổn từ quý IV/2021
Giá nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021. Dự báo tăng khoảng 5 – 10% so với năm 2020.
Tại các tỉnh thành khác, VARs cũng cho rằng cơ bản đều có mức tăng giá bất động sản ở mức 5 – 7% so với 2020. Một số địa phương có thể tăng mạnh hơn, đạt trên 10% như: Đồng Nai, Bình Dương, TP. Phú Quốc, Vân Đồn (Quảng Ninh), Móng Cái (Quảng Ninh).
Lý giải về hiện tượng giá nhà ở mức cao, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch VARs chia sẻ, phân khúc bình dân vẫn quá ít, trong khi đó, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc này lại rất tốt.
Theo đó, ông Thanh cho rằng, nếu thực hiện các mô hình đô thị lớn với quy mô khoảng 100ha thì sẽ tiết kiệm được chi phí. Đơn cử như một thiết kế nhà chiếm khoảng 10% chi phí nhưng nếu như là đồng loạt cả trăm cái thì đã tiết giảm được số tiền tương đối lớn. Cùng đó, số lượng vật tư, vật liệu khi cấp vào dự án lớn với khối lượng lớn cũng sẽ giảm giá thành, giúp giảm chi phí để có thể hạ giá bán sản phẩm.
Tuy nhiên ông Thanh cho rằng, giá bán cũng phụ thuộc chủ đầu tư và sức hấp thụ của thị trường. Chủ đầu tư kỳ vọng hạ tầng tốt sẽ bán được giá tốt, nhưng trong bối cảnh hiện nay, các chủ đầu tư cũng phải điều chỉnh hài hòa kỳ vọng lãi. Những điều chỉnh tích cực này sẽ diễn ra trong năm 2021.
Theo dự báo của ông Đính, thị trường có thể tăng 10% so với năm 2020. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ hoặc giảm kích thích đầu tư mạnh hơn. Chính phủ tiếp tục nỗ lực khắc phục, cởi trói cho doanh nghiệp, vốn FDI đổ vào mạnh hơn.
Song song đó, Covid-19 ập đến cũng sẽ mang lại yếu tố tích cực cho thị trường trong năm 2021 khi việc quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng đã rút ra kinh nghiệm để bản lĩnh hơn trong giai đoạn mới.
Cùng đưa ra những nhận định về thị trường bất động sản trong năm 2021, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết thị trường bất động sản giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác nhau. Ông Châu đánh giá “nhận định năm 2021 là năm của bất động sản cao cấp” chỉ mang tính chất tương đối, vì với sự tháo gỡ chính sách, thì nhà ở vừa túi tiền mới là phân khúc được các đơn vị hướng tới.
Lĩnh vực khách sạn dù đang gặp thách thức ở thời điểm hiện tại song các nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi trong thời gian tới. Họ đang lập kế hoạch và tạo tiền đề cho các bước đi tiếp theo trong tương lai.
Các nhà đầu tư bất động sản đến từ Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt từ các thị trường trưởng thành như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam hơn so với thị trường trong nước mình. Vì vậy, đang có một lượng lớn các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc dành sự quan tâm rất lớn cho thị trường Việt Nam.
Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, lợi thế tại Việt Nam chính là tiềm năng thị trường, tuy trong mỗi trường hợp đầu tư còn phụ thuộc vào lĩnh vực và vị trí. Hầu hết các nhà đầu tư quan tâm đến hai thành phố chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong khi có không ít các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại các địa điểm khác như thành phố Hải Phòng.
Còn các nhà phát triển BĐS, khó khăn ở đây không phải là thị trường không có nguồn cầu, mà là các thủ tục pháp lý. Từ những yếu tố trên, mặc dù 2020 là một năm đầy khó khăn nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS, và thị trường nói chung vẫn giữ ở mức ổn định.