Từ đầu tháng 10, hàng nghìn tỷ đồng đã bị rút khỏi các quỹ trái phiếu, trong đó có thể kể đến Quỹ Trái phiếu Techcom (TCBF) của Techcombank Securities (TCBS), công ty chứng khoán của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán: TCB). Hàng loạt nhà đầu tư cá nhân đầu tư quỹ trái phiếu Techcom “té ngửa” khi một tháng trở lại đây khi giá trị huy động rất thấp.
Việc dòng vốn chảy khỏi TCBF trùng thời điểm nhà đầu tư rút ròng mạnh trong khi giá trị huy động rất thấp. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh cũng khiến dòng vốn chuyển hướng sang các kênh an toàn hơn thay vì lựa chọn các quỹ mở trái phiếu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường như hiện nay.
Bản chất, đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ. Kênh này có những ưu điểm như không cần kiến thức và thời gian mà vẫn có khả năng đạt được lợi nhuận tốt, rủi ro thấp vì danh mục đầu tư của quỹ được phân bố cho nhiều ngành và công ty. Quỹ cũng thường được quản lý bởi đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm. Bên cạnh đó, chứng chỉ có tính thanh khoản cao tương đương với cổ phiếu, trái phiếu…
Tuy nhiên, nhà đầu tư không tham gia vào việc lựa chọn đầu tư mà giao hoàn toàn cho đội ngũ chuyên gia của công ty quản lý quỹ. Đặc biệt, không có chuyện đầu tư chỉ có lãi mà nhà đầu tư vẫn phải chấp nhận rủi ro đầu tư theo thị trường.
Hàng loạt nhà đầu tư thời gian vừa rồi bị tác động bởi “hiệu ứng đám đông”, bằng mọi cách muốn bán trái phiếu, cũng như chứng chỉ quỹ trái phiếu để thu tiền về. Tính đến hết tháng 11, chỉ số giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của TCBF chỉ còn gần 13.228 đồng/CCQ, giảm 19,8% trong vòng một tháng gần nhất (16.498 đồng/CCQ).
Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ còn gần 9.684 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Cuối tháng 10, giá trị tài sản ròng đạt 15.307,7 tỷ đồng. Trên thực tế, NAV của TCBF liên tục tăng kể từ khi bắt đầu có mặt trên thị trường trước khi lập đỉnh vào cuối tháng 10 vừa qua và bị giảm đột ngột. Con số này thậm chí còn hụt đến hơn 11.000 tỷ đồng nếu so với thời điểm đầu năm.
Theo tìm hiểu của Dân trí, quỹ trái phiếu TCBF đầu tư chủ yếu vào trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, TCBF có thu phí bán lại 0,5-1% nếu đầu tư dưới 1 năm nên sẽ phù hợp và tối ưu nhất cho những khoản đầu tư dài hạn từ 1 năm trở lên. Mức vốn đầu tư tối thiểu là 10.000 đồng.
Tính đến hết tháng 11, quỹ trái phiếu TCBF đang đầu tư tới 97,91% tài sản tại các trái phiếu doanh nghiệp. Còn lại hơn 2% được dự trữ dưới dạng tiền mặt và tài sản thanh khoản.
Chị Ngọc Linh, một nhà đầu tư khác cũng kể rót hơn 1 tỷ đồng vào chứng chỉ quỹ của TCBS. Vài tuần trở lại đây, thấy tài khoản “bốc hơi”, chị rốt ráo ra ngân hàng rút tiền tránh lỗ thêm, bất chấp lời khuyên chờ đợi thị trường hồi phục. Tuy nhiên, chị không thể rút được toàn bộ tiền mà chỉ được rút một phần nhỏ mỗi lần.
“Nhiều bạn bè của tôi rút từ trước đó vẫn rút được hết nhưng tôi rút sau lại không rút được. Vậy là giờ muốn cắt lỗ cũng không được, phải nhìn tài khoản âm tiền”, chị nói.
Chị Linh nói số tiền này là mẹ chị bán đất ở quê cho chị để “phòng thân”. “Ban đầu tôi muốn dành để mua bất động sản nhưng vốn ít, nếu muốn mua phải vay thêm ngân hàng mà lãi vay cao. Nhìn kênh đầu tư vàng không thấy lãi. Thấy Techcombank là ngân hàng tốt nên mang ra gửi tiền tiết kiệm mà giờ tiền của mình lại thành mua chứng chỉ quỹ”, chị nói. Chị thừa nhận bản thân đã không tìm hiểu kỹ và chỉ thao tác theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng.
Một loạt nhà đầu tư cá nhân cũng “té ngửa” khi phát hiện ra tài khoản của mình âm nặng, tiền “bốc hơi” mạnh khỏi tài khoản một tháng trở lại đây. Trong đó, một bộ phận phải ngậm ngùi chốt lời với mức lỗ trước khi mất tiền nhiều hơn do lo thị trường lao dốc.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, một số nhà đầu tư phản ánh đến ngân hàng mục đích gửi tiết kiệm, song lại được nhân viên ngân hàng tư vấn mua chứng chỉ quỹ trái phiếu với cam kết lợi nhuận lên tới 10%. “Họ chỉ giới thiệu lãi suất cao hơn lãi suất trên thị trường mà không hề cảnh báo việc có thể lỗ”, Văn Bình, một nhà đầu tư quỹ TCBF.
Điều này khiến các hoạt động tái cân bằng danh mục và tận dụng các cơ hội từ thị trường của một số quỹ đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề. Theo một thống kê mới đây của Công ty Techcom Capital, chỉ từ tháng 9/2022 đến thời điểm ngày 14/11/2022, các quỹ trái phiếu Việt Nam bị rút ròng gần 10.000 tỷ đồng, với tỷ lệ rút ròng lên tới 34,6%, tương ứng giảm từ 28.623 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.717 tỷ đồng. Trong danh sách 10 quỹ trái phiếu bị rút ròng nhiều nhất, thì quỹ trái phiếu SSIAM đứng ở vị trí đầu tiên, với tỷ lệ rút ròng lên đến 67,7%, từ 1.457 tỷ đồng xuống chỉ còn 471 tỷ đồng. Đứng thứ hai là quỹ MB Capital bị rút ròng 60,8% tương ứng giảm từ 2.491 tỷ đồng xuống còn 977 tỷ đồng.
TCBF của Techcom Capital cũng bị rút ròng lên đến 31,8%, từ 19.983 tỷ đồng xuống còn 13.623 tỷ đồng. Một số quỹ khác cũng bị rút ròng mạnh trong khoảng thời gian qua gồm quỹ ABBF của An Bình Capital bị rút 23,1%; VFF của VinaCapital bị rút 8,5% từ 1.192 tỷ đồng còn 1.090 tỷ đồng…
Theo thống kê của Techcom Capital, từ đầu tháng 10 đến nay, hàng nghìn tỷ đồng đã bị các nhà đầu tư rút khỏi các quỹ trái phiếu như TCBF SSIBF, MBBond, DCBF… Điều này đã gây áp lực rất lớn cho các công ty quản lý quỹ trái phiếu khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời.
Tổng Hợp
(Thông Tấn Xã, Vietnam+, Dân Trí)