Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa báo tin những ngày qua, đã có hàng loạt hành động từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền “gỡ khó” cho thị trường bất động sản trong bối cảnh thị trường tắc nguồn vốn, tín dụng, tắc thanh khoản…
Cụ thể, HoREA và các DN bất động sản, người mua nhà… rất hoan nghênh Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước, “về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn”.
“Thông tư 02/2023/TT-NHNN đã đáp ứng được kỳ vọng bấy lâu nay của các khách hàng của các tổ chức tín dụng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và người mua nhà, nếu hội đủ các điều kiện theo quy định thì được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn”, ông Châu nhận định.
Tiếp đến, Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023 của Ngân hàng Nhà nước quy định “ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, HoREA vẫn tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị của Hiệp hội này trước đó có đề xuất bãi bỏ Điểm a Khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN.
“Đề nghị không cấm tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Do việc này chưa được quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-NHNN để bảo đảm sự phù hợp với khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP”, ông Châu bổ sung.
Ngoài ra, HoREA cũng cho rằng các DN rất hoan nghênh Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ “Về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025”.
Hiệp hội này cho rằng Nghị quyết 58 đã đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp với việc phân công cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn, bao gồm khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý, nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.
Tại dự thảo, NHNN muốn cho phép các tổ chức tín dụng giảm hệ số rủi ro áp dụng cho các khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.
Cụ thể, với các khoản cho vay thế chấp nhà ở theo tỷ lệ bảo đảm và tỷ lệ thu nhập, NHNN quy định, đối với khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, hệ số rủi ro tín dụng cũng giảm một nửa.
Theo đó, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội sẽ dao động từ 12% đến 50%, thay vì mức 25% đến 100% như hiện nay.
Với các khoản vay thế chấp nhà ở còn lại (không phải mua nhà ở xã hội theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ), tỷ lệ rủi ro tín đụng được giữ nguyên ở mức 25% đến 100%.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về hệ số rủi ro đối với khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Theo dự thảo, hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trường hợp đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, hệ số rủi ro tín dụng là 160% (tức tín dụng bất động sản khu công nghiệp được giảm 20% hệ số rủi ro).
Tổng Hợp
(Dân Việt)