Phiên giảm điểm hôm nay “thổi bay” hơn 240.000 tỷ vốn hóa Thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó, riêng sàn HoSE bị “bốc hơi” 211.267 tỷ đồng (khoảng 9,2 tỷ USD).
Việc thị trường tăng liên tục trong nhiều tháng qua khiến mức định giá không còn rẻ, dẫn tới áp lực chốt lời tăng mạnh. Số liệu từ Bloomberg cho biết trước khi giảm sâu hôm nay, P/E VN-Index đạt 19,2, thấp hơn mức đỉnh 22,2 vào năm 2018, tuy nhiên định giá EV/EBITDA đang ở mức 17,8, vượt xa đỉnh lịch sử năm 2018.
Việc nhiều thị trường khu vực Châu Á giảm điểm trong phiên hôm nay (dù mức giảm không quá mạnh) cũng ít nhiều tác động tới tâm lý giới đầu tư trong nước. Với mức giảm lên tới gần 4%, VN-Index được ghi nhận là chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất Châu Á trong phiên giao dịch.
Trong số các mã giảm mạnh, VHM là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index khi khiến chỉ số này mất đi 7,15 điểm. Các cổ phiếu có “đóng góp” tiêu cực tiếp theo lần lượt là HPG (-3,8 điểm), TCB (-3,72 điểm), CTG (-3,55 điểm), GAS (-3,15 điểm),… Số mã giảm điểm trên sàn HoSE lên tới 350 mã, trong đó có 86 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng là 59. Riêng nhóm VN30 có tới 26 mã giảm điểm, bao gồm 7 mã giảm sàn. Như vậy, sau khi “thông sàn HoSE” từ ngày 5/7, chỉ số VN-Index đã trải qua 2 phiên giảm liên tiếp và mất đi tổng cộng 64,48 điểm. Diễn biến tiêu cực của VN-Index trong phiên giao dịch có thể đến từ những lo ngại dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM và một số ca nhiễm mới xuất hiện tại Hà Nội khiến giới đầu tư thận trọng hơn. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 56,34 điểm (-3,99%) xuống 1.354,79 điểm, đây cũng là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 28/1/2021 khi VN-Index mất 73,23 điểm (-6,67%).
Điểm đáng lưu ý, thị trường chỉ bị xả mạnh giai đoạn từ 14h15 phút và phiên ATC khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, không kịp trở tay. Tâm lý bi quan bao phủ toàn thị trường khiến hàng loạt các cổ phiếu giảm sàn, hoặc giảm gần hết biên độ. Xu hướng bán tháo diễn ra trên diện rộng và tập trung nhiều vào những cổ phiếu tăng nóng giai đoạn trước đó như nhóm chứng khoán, thép, ngân hàng, dầu khí, phân bón, bất động sản…
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán liên tục xoay tua vào các cổ phiếu khác nhau, tuy nhiên trọng tâm vẫn là nhóm cổ phiếu kỳ vọng có kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ điều kiện thị trường mới như nhóm chứng khoán, phân bón, vận tải biển, cảng biển, ngân hàng, thép…. Dòng tiền nâng đỡ chủ yếu vẫn tập trung là nhóm nhà đầu tư trong nước. Theo thống kế của Công ty Chứng khoán BSC, trong 4 tuần liên tiếp từ 31/5 – 2/7, khối tự doanh các công ty chứng khoán đã bán ròng 1.715,03 tỷ đồng trên sàn. Trong đó, tập trung bán mạnh tuần 28/6 – 2/7 với giá trị lên tới 931 tỷ đồng, đây cũng là tuần chứng kiến sự hưng phấn của thị trường chứng khoán trong nước.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với khối ngoại. Cụ thể, từ 31/5 – 2/7, khối ngoại đã bán ròng 139,49 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, tương ứng rút ròng 2.264,72 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù nhiều công ty chứng khoán nhận định thị trường tiếp tục tăng và có thể chạm ngưỡng 1.500 – 1.800 điểm trong giai đoạn sắp tới, nhưng khối tự doanh, cũng như khối ngoại vẫn liên tiếp tận dụng cơ hội thị trường tăng điểm để ra hàng. Điểm đáng chú ý, dường như hệ thông mới vận hành trơn tru đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phiên đạp mạnh như hôm nay khi không bị vướng vấn đề nghẽn, treo bảng điện tử.
Phiên rũ bỏ này đã lấy đi thành quả của 16 phiên trước đó, xuống dưới đường trung bình 20 ngày (MA20) và là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/1/2021. Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,6 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 26,24 tỷ đồng.
Tĩnh Kiên