Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây cho biết, lãi suất cho vay bình quân tiền đồng phát sinh mới của các ngân hàng thương mại hiện ở mức khoảng 9,3%/năm. Giảm mạnh lãi vay mua nhà sẽ giúp thị trường địa ốc phục hồi nhanh hơn…
Tuy nhiên, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3/2023 vào khoảng 10,23%/năm, cao hơn 0,56%/năm so với cuối năm 2022.
Với việc giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm vào ngày 25/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có tổng cộng 3 lần giảm lãi suất điều hành trong chưa đầy 3 tháng. Động thái này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng chuyển từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Thông thường, sau các đợt giảm lãi suất điều hành, hầu hết ngân hàng đều giảm tương ứng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Lần gần nhất, lãi suất tiền gửi ngắn hạn đã giảm 0,5%/năm xuống 5%/năm. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là những đơn vị nhạy cảm nhất với chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, khi đã giảm khá sâu lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng về mức 4,1-4,6%/năm. Lãi suất huy động giảm là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế, lãi vay không giảm nhanh như vậy.
Khảo sát nhanh của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại hiện công bố lãi vay mua nhà thấp nhất ở mức 4,99%/năm, nhưng chỉ cố định trong 3-6 tháng đầu với các khoản vay có thời hạn trên 24 tháng, sau đó sẽ áp dụng lãi suất thả nổi theo thị trường, với biên độ là lãi suất huy động 6 tháng cộng thêm 4-4,5%/năm, tức là lãi suất thực đối với các khoản vay bất động sản dao động trong khoảng 13-14%/năm.
Một số ít ngân hàng có lãi vay mua nhà ở mức dưới 10%/năm như Shinhan Bank tính lãi cố định 7,99%/năm trong 6 tháng đầu và 10,5%/năm cho 54 tháng còn lại. Với TPBank, mức lãi suất 8%/năm chỉ áp dụng cho khách vay mua nhà trong 6 tháng đầu và 6 tháng tiếp theo sẽ là 12%/năm, sau đó cũng tính lãi thả nổi theo thị trường.
Còn lại, đa phần ngân hàng áp dụng lãi vay mua nhà ở mức hơn 10%/năm. Trong đó, các ngân hàng VIB, PVcomBank, VPBank, HDBank đang áp lãi suất cho vay mua nhà cao nhất, từ 12-15,5%/năm. Chẳng hạn, PVcomBank áp dụng mức 12%/năm trong 6 tháng đầu, từ các tháng sau sẽ là 15,5%/năm. Tại HDBank, mức lãi vay 13,5%/năm được áp dụng cho năm đầu, từ năm tiếp theo sẽ cộng thêm biên độ 4,5%/năm.
Với mức lãi suất cao như trên, không khó hiểu khi thời gian gần đây, câu chuyện “tiền sẵn có, nhưng ngân hàng không giải ngân được” tiếp tục là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng khi nhiều người dân và doanh nghiệp cho biết “lãi suất giảm, nhưng vẫn vượt quá khả năng chịu đựng”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Công điện nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để góp phần kiểm soát lạm phát và chỉ đạo hạ lãi suất điều hành, nhưng mặt bằng lãi vay vẫn còn cao, các quy định tiếp cận vốn vẫn ngặt nghèo, các gói hỗ trợ giải ngân chậm…
Công điện nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các ngân hàng sử dụng các biện pháp giảm chi phí để hạ lãi suất, từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn, giúp người dân và doanh nghiệp phần nào giảm chi phí, tăng cường năng lực sản xuất – kinh doanh.
Dù vậy, trong chia sẻ gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, do kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, điều này đã tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Chưa kể, những thông tư mới ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp cũng tác động tới lãi vay. Chẳng hạn, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ban hành ngày 23/4/2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng chưa thu nợ khi đến hạn, trong khi vẫn phải đảm bảo chi trả lãi suất tiền gửi, dẫn tới giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, từ đó gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, ngoài các lý do trên, Ngân hàng Nhà nước còn phải quan sát động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt liên quan đến câu chuyện hạ lãi suất.
“Dù khả năng Fed tăng lãi suất USD trong cuộc họp tháng 6 này vẫn là 50/50, song việc tiếp tục giảm lãi suất VND (nếu có) của Việt Nam sẽ gây bất lợi cho tỷ giá USD/VND và có thể đẩy lạm phát lên cao. Chính sách lãi suất của Việt Nam hiện đứng ở ‘ngã ba đường’ và khó có lựa chọn trọn vẹn. Hơn nữa, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng không chỉ bởi lãi suất cao, mà còn vì không thể đáp ứng điều kiện vay”, ông Hiếu phân tích.
Tổng Hợp
(ĐTCK)