Tại cuộc họp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa qua, 16 ngân hàng (NH) thương mại hội viên đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Việc kêu gọi các tổ chức tài chính giảm lãi suất cho vay phải thực tế, đừng chỉ hô hào suông rồi doanh nghiệp lại lao đao.
Lãnh đạo VNBA thừa nhận việc giảm lãi suất hiện nay là rất khó nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ của ngành NH đối với khó khăn của DN. Vấn đề sắp tới cần làm rõ là giảm thế nào, thời gian bao lâu, số dư nợ được giảm đối với các khoản vay hiện hữu bằng tiền đồng ra sao…?
Nhiều DN cho hay đang theo dõi và mong chờ thông tin từ việc giảm lãi suất của các NH thương mại. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings, ông Nguyễn Quốc Kỳ, động thái của VNBA và các NH hội viên trong đồng thuận giảm lãi vay thời điểm này là tín hiệu tích cực với DN. Nhưng cần chính sách rõ ràng để những cam kết của NH thương mại là làm thật, DN được hỗ trợ thực chất. “Nếu NH thương mại hứa rồi không thực hiện thì DN làm thế nào? Nhóm DN du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch, rất cần sự chung tay, chia sẻ của đối tác, trong đó có NH, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính. Để sự hỗ trợ của NH hiệu quả, tôi kiến nghị cơ quan quản lý phân loại những lĩnh vực đang gặp khó nhất, cần sự hỗ trợ kịp thời nhất để “cứu” trước; quy định tỉ lệ giảm lãi suất cụ thể để NH triển khai” – ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu quan điểm.
Các NH vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất bởi các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành NH sẽ có độ trễ rất lớn khi nợ xấu trong tương lai tăng lên. Trong 16 NH đồng thuận giảm lãi suất, một số NH đã niêm yết cho biết phải xin ý kiến cổ đông do giải pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Đại diện NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tính toán với tổng dư nợ tín dụng khoảng 191.000 tỉ đồng, nếu giảm lãi suất bình quân 1 điểm %/năm, NH sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỉ đồng. Tương tự, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cũng nêu rõ với tổng dư nợ của hệ thống hiện khoảng 350.000 tỉ đồng, nếu lãi suất giảm 1 điểm phần trăm trong 5-6 tháng, lợi nhuận của NH giảm trên 1.000 tỉ đồng, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch. “Giảm lãi suất bao nhiêu phần trăm là hợp lý? Với mức giảm lợi nhuận lớn như vậy, liệu cổ đông có chấp nhận không?” – ông Phan Đình Tuệ nêu vấn đề song cũng cho hay NH sẽ tiếp tục giảm lãi suất để chia sẻ với DN thực sự khó khăn.
Bao nhiêu chi phí dồn hết lên chủ DN, doanh thu không có nhưng lương nhân viên và lãi ngân hàng vẫn phải trả. Nhiều NH lại đưa ra chính sách giảm lãi suất cho vay với khách hàng DN mới trong khi duy trì mức lãi suất cũ đối với khách hàng lâu năm. Từ đợt khuyến khích giảm lãi vay vào năm ngoái đến giờ, DN tôi vẫn chưa được hỗ trợ giảm lãi suất.
Cơ chế hiện hành cho phép các NHTM và khách hàng tự thỏa thuận lãi suất cho vay, ngoại trừ trần ở cho vay ngắn hạn nhóm đối tượng ưu tiên. Mức độ thỏa thuận tuân thủ giới hạn của Bộ luật dân sự… Theo đó, một phạm vi lớn dư nợ có lãi suất cho vay không nằm trong điều chỉnh hoặc giới hạn trực tiếp của NHNN. Một lãnh đạo của NHNN cho biết nhà điều hành đã và đang tác động qua bình ổn lãi suất huy động trên thị trường, tạo các điều kiện cân đối nguồn thuận lợi để các NHTM giảm lãi suất cho vay. Đây là tác động gián tiếp đến lãi suất. Thực tế suốt thời gian qua và cho đến nay nguồn vốn của hệ thống vẫn có trạng thái dư thừa, NHNN tạo điều kiện điều tiết nguồn dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng rất thấp cũng như sẵn sàng tạo nguồn hỗ trợ trên thị trường mở (OMO).
Tĩnh Kiên