Nỗi lo suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm khiến giá dầu thế giới xuống mức thấp nhất trong 2 tháng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu dự báo, giá trong nước hôm 11/7 tới có thể giảm mạnh nhất tới 2.800 – 3.000 đồng/lít, nếu giá thế giới duy trì ở mức giảm vừa qua. Tuy nhiên, đến phiên sáng nay (6/7, giờ Việt Nam), giá dầu thế giới có xu hướng nhích nhẹ. Do vậy, theo vị này, xu hướng giảm là rất lớn, song giảm bao nhiêu thì phải đợi diễn biến giá thế giới tính đến kỳ điều chỉnh sắp tới (ngày 11/7).
Ngoài xu hướng giảm giá mạnh trên thế giới, người dùng cũng trông đợi vào việc hạ nhiệt xăng dầu sau Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần. Tính đến ngày 6/7, giá xăng E5 RON 92 là 30.891 đồng/lít; xăng RON 95 là 32.763 đồng/lít; dầu diesel 29.615 đồng/lít; dầu hỏa 28.353 đồng/lít và dầu mazut 19.722 đồng/kg. Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng.
Ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với 100% thành viên tham gia biểu quyết tán thành. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ giảm thêm 1.000 đồng, với dầu là 500-700 đồng, áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh tuần sau (11/7).
Kết luận tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, xăng dầu là một loại vật tư chiến lược, đồng thời là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chỉ đối với tiêu dùng mà đối với cả sản xuất.
Giá dầu thô Mỹ WTI vừa giảm gần 10%, về dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ đầu tháng 5. Còn giá dầu thô Brent có lúc giảm 9,45%, xuống mức 102,77 USD/thùng. Đây là tín hiệu khiến người tiêu dùng trong nước có thể chờ đợt giảm giá hiếm hoi trong nhiều phiên tăng liên tiếp gần đây.
Theo tính toán hiện nay, chi phí xăng, dầu trong nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế, gas chiếm khoảng 1,45%.
Cũng theo số liệu của từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, nếu giá xăng, dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Do đó, trong bối cảnh giá dầu tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá là hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, lần này, lạm phát không còn là cục bộ mà do tác động kép của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị xung đột trên thế giới, đứt gãy các chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu, lương thực, về vật tư, nguyên liệu đều tăng. Các nước châu Âu, Mỹ đều lạm phát rất cao.
Trong khi đó, Việt Nam đang trong chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, vừa kiềm chế lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng, trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho người dân.
Tổng Hợp