Cùng với sự gia tăng nợ xấu, nợ tiềm ẩn, bộ đệm dự phòng tại các ngân hàng đã tăng mạnh trong đại dịch. Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng trong nước, tổng chi phí dự phòng rủi ro trong nửa đầu năm đạt 93.043 tỷ đồng, tăng đến 41% so với cùng kì năm trước.
Xét về con số tương đối, trong số 19 nhà băng ghi nhận tăng trưởng chi phí dự phòng so với cùng kỳ trong 9 tháng, ACB là ngân hàng có mức tăng cao nhất với mức trích lập 4 lần cùng kỳ năm trước. Tính riêng quý III, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này cũng tăng đến 406% so với cùng kỳ, từ 162 tỷ đồng lên 820 tỷ đồng.
Báo cáo cập nhật của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết ACB sẽ tăng mạnh chi phí tín dụng nhằm hoàn thành sớm trích lập dự phòng cho dư nợ tái cơ cấu trong năm 2021. Chuyên gia của VDSC ước tính chi phí tín dụng của ACB trong năm 2021 khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm khoảng 2.500 tỷ đồng chi phí dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 03. Con số này sẽ giảm về 1.800 tỷ đồng vào năm 2022. Một số ngân hàng khác cũng có chi phí dự phòng tăng mạnh so với cùng kỳ như Ngân hàng Quốc dân (NCB) tăng 280%, SCB tăng 243%, LienVietPostBank tăng 176% hay SHB tăng 113%.
Ở chiều ngược lại, sau 9 tháng, hệ thống có đến 9 ngân hàng giảm trích lập dự phòng so với cùng kỳ. Trong đó, Bac A Bank là nhà băng giảm chi phí dự phòng mạnh nhất (71,4%) xuống còn 51 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021 từ con số 177 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Hai ngân hàng khác cũng giảm mạnh chi phí dự phòng trong 9 tháng đầu năm có thể kể đến Viet A Bank và PG Bank với mức giảm lần lượt là 67,1% và 63,8%. Cắt giảm mạnh chi phí dự phòng đã cứu một bàn thua cho tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng này. Mặc dù các mảng hoạt động chính không mấy khả quan nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn ghi nhận tăng trưởng. Riêng PG Bank, thay vì trích lập hơn trăm tỷ chi phí dự phòng như trong quý III năm trước, ngân hàng lại được hoàn nhập hơn 1,7 tỷ đồng trong kỳ, khiến cho lãi trước thuế vẫn cao gấp 4,6 lần cùng kỳ, đạt 97 tỷ đồng.
10 ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất gồm BIDV, VietinBank, VPBank, Vietcombank, SCB, MB, SHB, ACB, Sacombank và TPBank. Tổng chi phí dự phòng của các ngân hàng này đạt 83.263 tỷ đồng, chiếm 89,5% tổng trích lập của 28 nhà băng được thống kê.
BIDV, ngân hàng có số dư nợ xấu nội bảng cao nhất. hơn 21.400 tỷ đồng, cũng là ngân hàng có mức trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất 9 tháng đầu năm với 23.195 tỷ đồng, tương đương tăng gần 44% so với cùng kỳ.
Đứng thứ hai về mức trích lập dự phòng là VietinBank với hơn 14.000 tỷ đồng trích lập dự phòng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 50% lợi nhuận thuần). Riêng trong quý III, ngân hàng đã trích lập dự phòng 5.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên bất thường sáng 3/11, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao hơn mức quy định để tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Dự kiến cuối năm 2021, ngân hàng sẽ trích lập 17.000 tỷ đồng chi phí dự phòng, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 169%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,4%. Đối với nợ tái cơ cấu đã hết thời gian tái cơ cấu là 5.600 tỷ đồng, VietinBank đã trích lập dự phòng 5.000 tỷ đồng, là mức trích lập cao và là bước đệm lợi nhuận trong năm tới.
10 ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2021 bao gồm BIDV, VietinBank, VPBank, Vietcombank, SCB, MB, SHB, ACB, Sacombank và TPBank.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quí III/2021, tính đến 30/9, tổng số dư tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2020. 10 ngân hàng có tiền gửi ngân hàng lớn nhất tính đến hết tháng 9/2021 bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, SCB, Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank và VPBank. Dẫn đầu bảng là 3 “ông lớn” quốc doanh, trong đó BIDV là ngân hàng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với cuối năm 2020. Tiếp sau là Vietcombank và VietinBank với số dư tiền gửi khách hàng đều trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng lần lượt là 7,4% và 8,3% so với cuối năm trước.
Như vậy, chỉ tính riêng 3 “ông lớn” trên, lượng tiền gửi đã đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm đến 45% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)