Giá rao bán chung cư Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng so với mặt bằng giá 2021. Giá chung cư liên tục tăng qua các năm khiến cơ hội tiếp cận nhà ở ngày càng khó khăn với nhiều người.
Trong đó, Hà Nội có tốc độ tăng giá căn hộ nhanh hơn TP. Hồ Chính Minh với mặt bằng giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng 8%, trong khi tại TP. Hồ Chí Minh tăng 5%.
Bên cạnh giá rao bán tăng, tháng 5/2022 cũng ghi nhận mức độ quan tâm hầu hết các phân khúc chung cư ở hai đô thị lớn tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Hà Nội, nhu cầu tìm thuê căn hộ tăng 6%, nhu cầu tìm mua căn hộ tăng lần lượt 6% và 4% đối với phân khúc cao cấp và trung cấp, và chỉ giảm nhẹ 3% ở phân khúc bình dân trong tháng 5/2022 so với tháng 5/2021.
Tại TP. Hồ Chính Minh, mức độ quan tâm căn hộ cho thuê tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tìm mua căn hộ cao cấp và trung cấp tăng 14% và 5%. Riêng căn hộ bình dân có nhu cầu mua giảm 14%. Tháng 5/2022, lượng tin đăng bán phân khúc này cũng giảm đến 18% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, giá nhà 2 năm qua không ngừng tăng. Một thống kê của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh gần đây cho thấy, chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến nhiều hộ gia đình và cá nhân khó mua được nhà ở. Trong đó, ở nhiều nước phát triển, chỉ số này chỉ cao gấp 6 – 7 lần thu nhập.
13 quý liên tiếp, giá nhà đều theo chiều hướng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nơi tăng bất hợp lý đã khiến không ít bất động sản khó tìm người mua. Nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng “lãi trên giấy”.
Tại sao giá bất động sản tăng cao bất hợp lý đã trở thành nỗi lo không chỉ của riêng ai? Bất động sản liên quan tới rất nhiều ngành nghề khác. Nếu giá nhà tăng có thể tác động đến chi phí sản xuất các ngành liên quan (như bán lẻ, sản xuất công nghiệp…). Giải pháp nào để hạ nhiệt giá nhà? Phóng viên đã đặt câu hỏi này với đại diện Bộ Xây dựng tại phiên thảo luận “Xu hướng dòng tiền”, trong Hội thảo “Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào ngày 24/5.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, muốn giá nhà hạ nhiệt cần phải tăng nguồn cung các loại nhà cho đối tượng có thu nhập thấp. Để thực hiện, cần có nhiều giải pháp, đầu tiên là đề xuất sửa đổi chính sách để khuyến khích, thúc đẩy nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn.
“Cần tháo gỡ thủ tục pháp lý. Ví dụ ở TP Hồ Chí Minh, sau khi được tháo gỡ, chỉ trong 1 tháng có tới 5 dự án được khởi công, trong đó có 4 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án chung cư cũ. Bên cạnh đó, không chỉ Bộ Xây dựng, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành vì bất động sản là ngành kinh tế tổng hợp. Ví dụ như Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước… để tập trung vào các dự án có khả năng triển khai nhanh, ra hàng nhanh”, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nói.
Hiện nay, trong chương trình phục hồi kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2023 có gói 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với các cá nhân, hộ gia đình thuê mua nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Các doanh nghiệp triển khai nhà ở công nhân, nhà ở xã hội sẽ được hỗ trợ 2% lãi vay thương mại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, quá trình giải ngân cần được đẩy nhanh hơn, tránh việc vốn thì có, nhưng tiền chậm đến tay người có nhu cầu.
Tổng Hợp