Chỉ trong vòng có hơn một năm, “ghế nóng” của Eximbank đã đổi chủ đến 5 lần. Vấn đề tranh chấp giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank thực tế đã diễn ra từ năm 2015. Theo đó, các nhóm cổ đông đã không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề lựa chọn thêm người vào quản trị, khiến nhà băng phải trì hoãn ĐHĐCĐ nhiều lần.
Sự tranh chấp quyền lực giữa các nhóm cổ đông đã khiến kết quả kinh doanh của ngân hàng trượt dài trong những năm qua. Từng lãi hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2011, nằm trong những ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất vào thời điểm đó. Đến năm 2015, khi sự tranh dành quyền lực giữa các nhóm cổ đông xảy ra, lợi nhuận ngân hàng tụt xuống còn hơn 60 tỷ đồng. Đến những năm sau đó, nhờ sự “ấm lên” của toàn ngành ngân hàng, lợi nhuận của Eximbank mới có sự hồi phục nhưng vẫn chưa thể quay lại như thời “vàng son”.
Dư nợ cho vay khách hàng gần như đi ngang. Tổng tài sản của ngân hàng cũng trồi sụt qua các năm. Năm 2020, Eximbank là nhà băng duy nhất ghi nhận tổng tài sản và dư nợ cho vay tăng trưởng âm. Mặt khác, trong giai đoạn này, ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu. Tính tới cuối quý I/2021, Eximbank đã xử lý xong hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,63%.
Chỉ trong vòng có hơn một năm, “ghế nóng” của Eximbank đã đổi chủ đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và đến ông Yasuhiro Saitoh. Tới hôm 13/4 vừa qua, trước thềm hai đại hội cổ đông, Eximbank lại có những nghị quyết xoay vòng khó hiểu khi trong một tiếng đã 3 lần đổi “ghế nóng”, từ ông Saitoh, sang ông Nguyễn Quang Thông và quay trở lại Yasuhiro Saitoh. Tiếp tục đến đại đại hội thường niên 2020 lần 3 hôm 26/4 mới đây, cuộc họp đã không thể diễn ra khi tỷ lệ số cổ phần các cổ đông tham dự chỉ đạt gần 42%, không đủ điều kiện tiến hành. Trước đó vài ngày, Eximbank cho biết đã nhận được kiến nghị của hai nhóm cổ đông về việc miễn nhiệm hàng loạt các thành viên HĐQT. Một nhóm cổ đông chiếm 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề nghị miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng. Nhóm còn lại sở hữu 11,2% tổng số cổ phần đề nghị miễn nhiệm ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Đến sáng ngày 27/4/221, Eximbank tiếp tục không thể tổ chức được đại hội thường niên 2021 khi không đủ túc số tham dự. Hiện tại, HĐQT của Eximbank có 9 người bao gồm Chủ tịch Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Thông, Thành viên độc lập Lê Minh Quốc và các thành viên khác là ông Cao Xuân Ninh, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Từ năm 2007, ngân hàng Nhật Bản SMBC đã trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank khi chi ra 225 triệu USD (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để nắm giữ 15% cổ phần. Vào thời điểm đó, Eximbank từng là những ngân hàng tư nhân top đầu trong ngành vượt trội hơn những cái tên như HDBank, VPBank, SHB… Thế nhưng, giá cổ phiếu EIB ngụp lặn trong suốt quảng thời gian hợp tác với cổ đông Nhật Bản đến nay, có thời điểm còn xuống dưới mệnh giá. Không những vậy, từ năm 2013 đến nay, cổ đông Eximbank đã không được nhận cổ tức.
Xét trên góc độ đầu tư, có thể nói đây là một khoản đầu tư kém hiệu quả khi sau hơn 10 năm, với hơn 185 triệu cổ phần EIB hiện nắm trong tay, phải tới ngày cuối quý I/2021 SMBC mới hòa vốn. Không những vậy, dù sở hữu 15% cổ phần, nhưng dường như tiếng nói SMBC không còn sức ảnh hưởng tại ngân hàng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 ngày 27/4/2021, SMBC đã không cử người tham dự. Ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm và từng là đại diện vốn của SMBC, cho biết bên lề cuộc họp rằng ông không còn làm việc tại SMBC và ông có mặt tại đại hội với vai trò là đại diện cho một nhóm nhà đầu tư trong nước theo tư cách cá nhân.
Cơ cấu cổ đông của Eximbank là tương đối cô đặc. Theo biên bản họp đại hội ngày 26/4, số cổ đông tham dự đại hội là 96 cổ đông, tuy nhiên đã đại diện 94,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng. Hiện tại, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng với tỷ lệ sở hữu 15%.
Trong ban lãnh đạo của ngân hàng, bà Lương Thị Cẩm Tú là người sở hữu nhiều cổ phần nhất với gần 13,8 triệu đơn vị. Các lãnh đạo khác không cầm nhiều hơn 152.000 cp. Cơ cấu cổ đông ngân hàng còn có hai nhóm cổ đông đòi miên nhiệm các thành viên HĐQT như đã nhắc ở trên gồm nhóm CTCP Rồng Ngọc, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân (sở hữu 10,3%); nhóm ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Công Cận, Lafelle Limited và Education Management Holdings Limited (sở hữu 11,2%). Vietcombank và Quỹ VOF cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại ngân hàng.
Giá cổ phiếu của Eximbank tăng vọt trong bối cảnh xung đột giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa được giải quyết, kết quả kinh doanh trồi sụt… khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi cổ phiếu EIB đang có “game”?
Kiên Cương