Nhiều nhà quan sát thậm chí còn đánh giá, bước đi này như một “nước cờ chiến lược” cho tham vọng nâng tầm đế chế của đại gia Tuấn “Thành Công”. Thực tế, so với các tay chơi hiện hữu ở “game Eximbank”, nhóm Thành Công có thể xem như người đến sau.
Eximbank sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho chiến lược kinh doanh “kiềng ba chân” gồm ô tô – bất động sản – tài chính ngân hàng. Dù vậy, cuộc tranh đấu quyền lực từ đầu nhiệm kỳ HĐQT (2015) đến nay cho thấy tham vọng sở hữu Eximbank (nếu có) của ông Nguyễn Anh Tuấn cùng Thành Công Group sẽ không hề dễ dàng và hứa hẹn tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc.
Phần đông thị trường mới chỉ biết đến sự hiện diện của họ cách khi hồi tháng 4/2019, đại gia Nguyễn Anh Tuấn có văn bản kiến nghị gửi HĐQT Eximbank cho biết là người đại diện/được uỷ quyền bởi một nhóm cổ đông mới đầu tư vào Eximbank, nắm giữ 12,97% vốn điều lệ của nhà băng này. Các cổ đông được ông Tuấn đề cập trong văn bản kiến nghị bao gồm: CTCP Tập đoàn Thành Công (sở hữu 60,54 triệu cổ phần EIB, tương đương 4,9% VĐL); ông Nguyễn Tiến Dũng (54,97 triệu cổ phần EIB, tương đương 4,45% vốn điều lệ) và Hợp tác xã cổ phần Thành Công (44,72 triệu cổ phần EIB, tương đương 3,62% vốn điều lệ).
Đến sau và cũng chưa hẳn là nhóm cổ đông nắm giữ nhiều cổ phần EIB nhất, nhưng “tay chơi” đến từ Ninh Bình đang nổi lên như ứng viên giàu khát khao, giàu ảnh hưởng bậc nhất cho vai trò “người cầm cơ” trong “game Eximbank”. Nên biết, trong danh sách các nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025), có tới 3/10 nhân sự được đề cử hoặc có liên quan đến nhóm Thành Công.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Thành Công cùng ông Nguyễn Tiến Dũng và 3 cổ đông khác đã đề cử một lãnh đạo đương nhiệm ở Eximbank làm Thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII. Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Công – bà Lê Hồng Anh (phu nhân của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV TCG Land) – cũng nhận được sự đề cử của Hợp tác xã cổ phần Thành Công, ông Nguyễn Tiến Dũng và Mr Exim Investments Limited.
Ông Đào Phong Trúc Đại – nhân sự được HĐQT đương nhiệm của Eximbank đề cử làm Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ VII – hiện là Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư PV-Inconess. Doanh nghiệp này, bản chất là công ty con của Tập đoàn Thành Công. Về ban kiểm soát, có tới 2/3 nhân sự được đề cử bởi nhóm Thành Công, đó là ông Trần Ngọc Dũng và bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc.
Lưu ý, Eximbank là ngân hàng cổ phần hiếm hoi ở Việt Nam chưa thực sự thuộc/bị chi phối bởi một nhóm chủ tư nhân đơn lẻ nào. Giá trị hơn nữa, Eximbank là một nhà băng lớn, có thương hiệu và mạng lưới thuộc top đầu thị trường, chất lượng tài sản cũng cơ bản sạch sẽ. Với vị thế sẵn có, chỉ cần ổn định nội bộ, nhà băng có rất nhiều lợi thế và cả dư địa để bứt phá. Do đó, nó trở thành “hàng hot” bậc nhất thị trường, nhất là với những ai đang đi tìm mảnh ghép tài chính chiến lược cho hệ sinh thái của mình.
Sở hữu Eximbank – với khối tài sản cả chục tỷ đô – không chỉ mở ra cánh cửa kinh doanh trong giới “buôn tiền”, mà còn giúp tương hỗ các hoạt động kinh doanh cốt lõi cho nhà chủ. Xét với Tập đoàn Thành Công, nếu thành công trong việc “cầm cơ” ở Eximbank, đại gia Nguyễn Anh Tuấn sẽ thực sự nâng tầm đế chế kinh doanh của mình. Song đó vẫn chỉ là những tính toán mang tính dự báo và nặng về lý thuyết, trong kịch bản lý tưởng. Sở hữu Eximbank có lợi thật nhưng để sở hữu thì không dễ. Cuộc chơi này quá khốc liệt. Nó đòi hỏi kinh nghiệm và quan hệ rất sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vốn rất đặc thù và khác xa lĩnh vực sản xuất mà Thành Công theo đuổi bấy lâu.
Đã vậy, nó còn đặc biệt tốn kém. Lãnh đạo NHNN đã nhiều lần yêu cầu rõ, làm ngân hàng là phải có “tiền tươi, thóc thật”. Tập đoàn Thành Công, như đã phân tích, là một tay chơi có tiềm lực và có tích luỹ tư bản tốt. Nhưng liệu thế đã đủ với “game Eximbank”?!.
Doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn và Tập đoàn Thành Công là một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Những năm gần đây, tập đoàn này đang tích cực lấn sân sang mảng đầu tư kinh doanh bất động sản – một lĩnh vực thâm dụng vốn và cần nhiều sự hỗ trợ từ các nhà băng. Liên quan đến “game” Eximbank, tuần qua, nhiều tờ báo nói “dẫn nguồn tin đáng tin cậy” cho biết, nhóm nhà đầu tư liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch Nam A Bank, đã và đang thoái vốn khỏi Eximbank.
Eximbank tổng cộng đã có 6 lần tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên năm 2020 và 1 lần tổ chức bất thành đại hội năm 2021 trong suốt hơn 1 năm qua. Nhưng mẫu thuẫn nội bộ tại ngân hàng này không ngừng hạ nhiệt khi ngay trước thềm đại hội, 2 nhóm cổ đông đề nghị miễn nhiệm 8/9 thành viên HĐQT.
Mới đây, Eximbank cũng đã công bố danh sách nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT của ngân hàng này nhiệm kỳ 2020-2025, bao gồm bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Yasuo Takeuchi và ông Nguyễn Hiếu. Trong đó, bà Lê Hồng Anh hiện là phó tổng giám đốc thường trực phụ trách tài chính kế toán của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thành Công Phạm Hùng và chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land. Ông Đào Phong Trúc Đại hiện là tổng giám đốc của 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng và Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp ô tô Việt Nam. Ông Nguyễn Hiếu hiện là thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt. Ông Yasuo Takeuchi hiện là phó tổng giám đốc bộ phận kế hoạch khối ngân hàng toàn cầu của SMBC kiêm giám đốc phòng nghiên cứu thị trường – chi nhánh SMBC Hà Nội.
Trước những tin đồn về việc một nhóm đầu tư liên quan đến Tập đoàn Thành Công đã trở thành cổ đông của Eximbank, việc lãnh đạo của Thành Công được đề cử vào Eximbank càng làm dấy lên sự quan tâm trên thương trường về mối quan hệ giữa 2 đơn vị này.
EIB từng có 5 lần “đổi ghế” Chủ tịch trong hơn 1 năm, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, trở lại ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh, rồi về ông Yasuhiro Saitoh. Cộng với 3 lần “đổi ghế” vừa diễn ra, EIB đi vào lịch sử ngân hàng với 8 lần “đổi ghế ” chỉ trong khoảng 2 năm.
Nhật Hạ