Gã khổng lồ sản xuất bia Hà Lan (Heineken) vừa báo cáo doanh số quý 3 sụt giảm mạnh hơn dự kiến sau khi ảnh hưởng của đại dịch cắt giảm sản lượng tại Việt Nam, một trong ba thị trường lớn nhất nhất của Heineken.
Nhà sản xuất bia lớn thứ hai thế giới cho biết họ đã bán sản lượng ít hơn 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm 37,4% do các quy định hạn chế COVID-19 ảnh hưởng tới thị trường Campuchia, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Việt Nam luôn nằm trong số nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, đã chứng kiến sự sụt giảm trong quý 3 do sự bùng phát của biến thể Delta dẫn đến tình trạng đóng cửa nghiêm ngặt tại TP HCM, trung tâm kinh tế của cả nước. Các biện pháp siết chặt tại Việt Nam đã được nới lỏng từ đầu tháng 10, tuy nhiên các quán bar vẫn chưa được phép hoạt động. Giám đốc điều hành Heineken – Dolf van den Briink cho biết đang có những dấu hiệu hồi phục ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Doanh số bán hàng ở châu Âu của Heineken cũng không được như kỳ vọng.
Từ đầu năm 2020, ngành bia Việt Nam chịu tác động kép của Nghị định 100 và đại dịch COVID-19. Lần đầu sau nhiều năm tăng trưởng, ngành bia chứng kiến sự sụt giảm hai chữ số. Theo tổng cục thống kê, tổng sản lượng bia sản xuất trong năm ngoái đạt khoảng 4,39 tỷ lít, giảm 14%. Lượng tiêu thụ bia bình quân đầu người năm ngoái đạt 40,5 lít, giảm 7,1 lít so với năm 2019.
Tình hình thị trường trở nên bất lợi khiến cho các ông lớn ngành bia khốn đốn theo. Cuộc đua của hai thương hiệu bia dẫn đầu thị trường là Heineken và Sabeco có thêm nhân tố gây xáo trộn. Điểm đáng chú ý là doanh thu của Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading), công ty chịu trách nhiệm phân phối các sản phẩm bia và đồ uống Heineken không giảm mà còn tăng nhẹ, đạt hơn 55.700 tỷ đồng. Những năm trước đó, doanh thu của Heineken Trading tăng trưởng rất mạnh, đạt gần 20% mỗi năm.
Hoạt động sản xuất của Heineken được đảm nhiệm bởi Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Hà Nội. Trong khi đó, Sabeco Trading có vai trò tương tự Heineken Trading ghi nhận doanh thu giảm hơn 7.000 tỷ đồng, còn 30.167 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất của Sabeco đạt 27.961 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng. Như vậy, khoảng cách về doanh thu giữa Heineken và Sabeco càng tăng thêm sau năm đầu đại dịch, chênh lệch doanh thu thương mại ở mức hơn 1 tỷ USD.
Một doanh nghiệp lớn ngành bia của của Việt Nam là CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Doanh thu thuần quý 3 đạt 4.282 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng của Sabeco ghi nhận 444 tỷ đồng, sụt giảm 68%. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của Sabeco đạt 17.488 tỷ đồng, giảm 13,5% và lợi nhuận sau thuế 2.529 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Tương tự như Heineken, ảnh hưởng của đại dịch là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan. Cổ phiếu SAB giảm hơn 20% kể từ đầu năm.
Tình hình hiện tại với ngành bia là không sáng sủa hơn so với năm ngoái, thậm chí còn tệ hơn nhiều. Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng đại dịch thứ tư lớn nhất từ trước đến nay. Thêm hàng trăm nghìn ca nhiễm COVID-19 mới tập trung vào khu vực phía Nam, thị trường tiêu thụ bia lớn của cả nước.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)